(HNM) - Lịch sử AFF Cup đã điền thêm tên một nhà vô địch mới là Malaysia. Một cuộc lên ngôi thuyết phục với những yếu tố "thuần nội", từ HLV đến cầu thủ khiến các nước láng giềng buộc phải suy nghĩ.
Đội tuyển Malaysia tập luyện. Ảnh: minh Hoàng |
Trước năm 2007, bóng đá Malaysia chìm trong khủng hoảng bởi nạn tiêu cực khiến Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nước này thi đấu hết sức thất thường. Năm 2007, khi được chỉ định làm HLV trưởng ĐTQG, ông Rajagobal đã quyết định xây dựng đội U19 Malaysia thành hạt nhân của ĐTQG tương lai. Đội bóng này được LĐBĐ Malaysia đặc cách cho thi đấu ở Giải Vô địch quốc gia và nhanh chóng trưởng thành. Sau hai năm thi đấu cùng nhau, đội U19 này trở thành ĐT U23 Malaysia và giành HCV SEA Games 25. Sức trẻ, nội bộ đoàn kết, tư tưởng trong sạch, ý thức kỷ luật cao, luôn khát khao chiến thắng nhưng không bị sức ép về thành tích, đội tuyển trẻ nhất AFF Suzuki Cup 2010 đã làm nên lịch sử. Và chính họ đã giành hai HCV ở hai giải khu vực trong hai năm liền, giải sau quan trọng và khốc liệt hơn giải trước.
Ông Rajagobal, với vẻ ngoài của một lão nông nhưng lại rất sắc sảo về chiến lược, chiến thuật cũng như tâm lý học thể thao. Ông đã đào tạo học trò từ những viên gạch thô thành những miếng gạch giát vàng. Ông đã kết hợp rất tài tình hai thế hệ cầu thủ, biến đội tuyển thành một võ sĩ biết phòng ngự giỏi, một hàng công biết ra đòn độc đúng lúc. Luôn biết mình, biết người, nên với từng đối tượng ông có những đấu pháp khác nhau, biết lấy nhu trị cương, biết lùi một bước để tiến hai bước. Trong trận chung kết lượt đi trước Indonesia, ông chủ trương ru ngủ đối phương rồi bất ngờ ra đòn độc và giành chiến thắng. Trận lượt về, dù có lợi thế 3 bàn, ông không chủ trương siêu phòng ngự để giữ tỷ số, mà yêu cầu cầu thủ chú trọng "thủ" nhưng không quên "công". Chiến thuật này đã làm cầu thủ Indonesia lúng túng và không thể triển khai chiến thuật "đánh nhanh thắng nhanh". Ông Rajagobal không quan tâm đến những lời chê bai, giễu cợt của đối thủ mà tập trung hoàn thành nhiệm vụ. Không đi theo đường mòn, ông chính là HLV khác thường nhất ở AFF Suzuki Cup 2010.
Chiến thuật phòng ngự - phản công là sở trường của ĐT Malaysia, nhưng không "chết cứng" mà luôn biến ảo khôn lường. Cách dụng binh hư hư, thực thực chứng tỏ ông Rajagobal là một nhà cầm quân giỏi, có thể là giỏi nhất Đông Nam Á lúc này. Tất cả bại tướng của ông (trực tiếp hay gián tiếp) đều thừa nhận mình bị loại là đúng (trừ ông Calisto luôn chê bai cách nhập cuộc của ĐT Malaysia). Ông Rajagobal nói rằng lối đá thực dụng cùng sức trẻ là yếu tố chủ lực để Malaysia giành chức vô địch. Điều này rất đáng để các HLV của đội tuyển Việt Nam, Thái Lan suy ngẫm. Nó có gì đó giống với triết lý bóng đá thực dụng của HLV Mourinho.
Chức vô địch của ĐT Malaysia tại AFF Suzuki Cup 2010 hết sức thuyết phục, không hề may mắn. Nó mở ra một chương mới cho bóng đá Đông Nam Á và là bài học sát sườn cho nhiều quốc gia, ví dụ như Myanmar. Cũng là dùng nhiều cầu thủ trẻ, cũng không được đánh giá cao trước ngày khai mạc nhưng ĐT Myanmar lại không thành công, "bật bãi" ngay tại vòng bảng. Với ĐT Việt Nam cũng vậy. Chọn lối chơi tấn công đẹp mắt để làm gì khi hiệu quả không cao và quan trọng hơn cả là cầu thủ không phù hợp với lối chơi đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.