Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hạt nhân” thay đổi cơ cấu cây trồng ở Yên Nghĩa

Thiện Mỹ| 29/10/2015 06:31

(HNM) - Là người đi tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), nhiều năm qua, ông Nguyễn Tiến Phiệt đã mang về cho địa phương nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao.


Cơ duyên từ bưởi Diễn, cam Canh


Tôi gặp ông Nguyễn Tiến Phiệt khi mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông đã phát triển qua nhiều năm và thu được kết quả đáng tự hào. Đến nay, ông đã có cả trăm gốc bưởi Diễn, cành núc nỉu quả chín vàng cùng 800 gốc đào thế, đào cổ và đào cành trên diện tích hơn 5,5ha. Vườn cây của ông là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công nhất phường Yên Nghĩa, cho giá trị kinh tế vượt trội. Hơn 10 năm qua, ông là nông dân tiêu biểu, điển hình và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội Nông dân và phong trào sản xuất kinh doanh giỏi. Có được thành quả ấy, ông Nguyễn Tiến Phiệt và gia đình đã trải qua một quá trình lao động miệt mài, gian khó với biết bao mồ hôi, công sức.

Vườn cam Canh của ông Nguyễn Thế Phiệt.


Bên chén trà sóng sánh, ông Phiệt kể cho tôi nghe quãng thời gian gắn bó với nghề nông. Sau 11 năm công tác trong quân ngũ, ông về với quê hương và đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp. Yên Nghĩa hồi đó là vùng đất thuần nông, cuộc sống và mức thu nhập của người dân thấp, phần lớn chỉ trông chờ vào hạt ngô, cây lúa.

Gắn bó với đồng đất quê hương, lúc nào trong đầu ông cũng gợn lên câu hỏi làm sao cho quê hương thay đổi để bà con nông dân bớt khổ. Từ nhận thức ấy, ông lăn lộn và chuyển hướng trong chính hoạt động sản xuất của gia đình mình. Ngày ấy, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn rất hiếm và người dân địa phương cũng không mấy mặn mà. Ông đã hỏi, tìm hiểu, đọc trên sách báo về những mô hình trồng cây ăn quả và bưởi Diễn đến với ông như một cơ duyên. Ông suy nghĩ nhiều về vùng đất bãi và nghĩ cách phải làm giàu, vì quê ông chỉ cách trung tâm Thủ đô một quãng đường chưa đầy 15 cây số. Ông biết, đó là một thị trường rộng lớn, tiềm năng song cũng là thị trường "khó tính", không phải sản phẩm nào cũng "chiều lòng" được người tiêu dùng. Qua tìm hiểu thị trường, ông đã tin tưởng vào cây cam Canh, bưởi Diễn bởi vùng bãi có thổ nhưỡng phù hợp với loại cây này. Để chuẩn bị cho việc trồng hai loại cây trên, ông học hỏi, nghiên cứu các tài liệu khoa học và quan trọng nhất là học những người đã và đang trồng cam Canh, bưởi Diễn trên thực tế. Ông lặn lội sang Hưng Yên, tìm những chủ vườn trồng cam để học kiến thức thực tiễn từ họ. Không chỉ học một vài tuần hay vài tháng, mà ông phải lẽo đẽo học suốt chu kỳ sinh trưởng của cây… Sau khi đã có vốn kiến thức kha khá, năm 1999, ông bắt tay vào kiếm tìm cây giống về trồng. Ông đã mạnh dạn trồng 100 gốc bưởi Diễn và 400 gốc cam Canh trên diện tích gần 1ha. Là người đầu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang cam Canh, bưởi Diễn về địa phương nên nhiều người chưa tin tưởng vào mô hình của ông Phiệt. Song, chỉ sau 3 đến 5 năm, gia đình ông đã có cam, bưởi được thu hoạch và nhiều người đã bị thuyết phục bởi sự thành công của mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng này. Ngay từ mùa thu hoạch đầu tiên, ông đã bội thu với khoảng 5 tấn cam Canh và 10.000 quả bưởi Diễn. Gần đến mùa thu hoạch, khách buôn từ các ngả đổ về đặt hàng, vườn cây của ông lúc nào cũng "sạch trơn", không bao giờ có hàng tồn. Sau khi thành công với mô hình cam Canh, bưởi Diễn, ông lại tiếp tục thử nghiệm sang cây trồng mới. Cũng từ năm 2006, khi nhiều diện tích đất nông nghiệp của địa phương bị thu hồi cho các dự án lớn, duy chỉ còn sót lại diện tích đất bãi, ông nghĩ ngay đến kế hoạch phát triển cho vùng đất bãi màu mỡ phù sa Sông Đáy.

Thành công với cây đào thế, đào cổ

Lại những tháng ngày tìm tòi, thử nghiệm, ông miệt mài khắp nơi tìm thêm cây trồng có giá trị cao để gây dựng hướng phát triển mới. Lúc này, ông phát hiện cây hoa đào là cây sẽ làm giàu và mang lại hương sắc mới cho vùng quê nghèo. Nghĩ là làm. Ông lang thang đến các vườn đào ở Nhật Tân (Tây Hồ), Dương Nội (Hoài Đức)… để học hỏi, xem cách người ta chăm bón đào, xem cách tuốt lá, tìm những thế đào mới, lạ để làm "vốn" cho riêng mình. Ông biết, mỗi người có một bí quyết riêng và chắc chắn họ sẽ không thể truyền cho ông bí kíp ấy. Nhưng, ông học bằng mắt, ông nhìn cách họ làm để tự rút ra kiến thức, tích lũy cho bản thân. Sự nhanh trí đã mách bảo ông được nhiều điều về kỹ thuật trồng hoa đào. Ông đã bỏ rất nhiều thời gian, tiền bạc, lên Mộc Châu, Sơn La tìm những gốc đào rừng có thế đẹp, mang dáng cổ, thuê người đào và vận chuyển về Yên Nghĩa. Có gốc đào rừng, ông Phiệt lại dày công ghép với mắt đào Nhật Tân.

Ông tâm sự: Vốn dành cho đào rất lớn, chưa kể tiền của bỏ ra để đi học hỏi khắp nơi, mỗi gốc đào cổ mua ở Sơn La rẻ cũng phải trả tiền triệu mỗi gốc, thậm chí có gốc lên đến 3-4 triệu đồng. Bù lại những vất vả, với 100 gốc đào thế, đào cổ, ông đã có thu nhập gấp 20 lần trồng cây nông nghiệp đơn thuần và so với bưởi Diễn, thu nhập cũng phải gấp đến 5 lần. Trên diện tích 0,5ha, ông trồng xen kẽ 100 gốc đào thế, 700 gốc đào cành. Là người đầu tiên mang cây hoa đào về trồng trên đất Yên Nghĩa và cũng là người thành công với mô hình này, người dân quê ông bắt đầu tin và làm theo ông.

Hiện nay, trên địa bàn phường Yên Nghĩa đã có 7,5ha chuyên trồng hoa đào với 200 hộ tham gia và đây là một trong những loại cây làm thay đổi nhận thức của người làm nông nghiệp. Nói về cây đào, ông Phiệt chia sẻ: Đến nay đã qua thời kỳ phải mày mò, lặn lội, nay tôi đã căn cứ vào thời tiết để điều chỉnh quá trình sinh trưởng của cây nên thảnh thơi được phần nào. Tuy nhiên, loại cây này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên cũng phải liên tục "để mắt"... Bằng ấy năm lăn lộn với cây đào, hiện nay vườn đào của ông nức tiếng một vùng, nhiều vụ ông cho thuê đến 24 triệu đồng/cây trong thời gian khoảng 20 ngày. Những khách đặt thuê đào thế của ông có nhiều người là khách quen, họ không ngại đường xa từ thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất… tìm về. Chỉ đến giữa tháng Chạp hằng năm, các gốc đào của ông đều đã kín địa chỉ người thuê, ai đến muộn chỉ còn nỗi ngẩn ngơ nuối tiếc …

Sự gắn bó, nhiệt huyết với đồng quê giúp ông Nguyễn Tiến Phiệt luôn làm tốt vai trò Chủ tịch Hội Nông dân phường Yên Nghĩa trong suốt nhiều năm qua. Ở cương vị ấy, ông luôn chia sẻ kinh nghiệm làm vườn của mình với mọi người, khuyến khích, động viên mọi người làm giàu từ chính đồng đất quê mình, bằng đôi tay và năng lực của bản thân. Từ sự miệt mài, không ngại khó, ngại khổ, ông đã đạt nhiều thành quả như: 9 năm liền đạt danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố (2007- 2015); hai lần được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… Trong câu chuyện về mình, ông rất kiệm lời, nhưng tôi hiểu, ông như một người nông dân khiêm nhường, sáng rạng giữa vùng đất bãi Yên Nghĩa thanh bình…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hạt nhân” thay đổi cơ cấu cây trồng ở Yên Nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.