Năm 2003, nước ta xuất khẩu được 4,2 triệu tấn gạo, tiếp tục là một trong ba nước dẫn đầu lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng nông sản này. Không còn là vấn đề mới mẻ nữa khi đề cập đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho hạt gạo Việt Nam, trong đó có gạo tám xoan, thứ gạo đặc sản của vùng đất đồng chiêm trũng Hải Hậu (Nam Định)...
Xuất khẩu gạo tại bến cảng
Sài Gòn (Tp. Hồ Chí Minh)
Vì lẽ, tám xoan là thứ gạo về thiên tính đã có những đặc điểm không thể lẫn vào đâu với những loại gạo khác như dẻo, thơm. Dẻo, ngậy mà không ngấy và thơm thì thơm đến ngào ngạt ở trong nồi, nhìn đã muốn ăn, ngửi đã thấy thòm thèm. Vì lẽ, tám xoan là thứ gạo mà từ khâu trồng cấy, thu hoạch đến lúc chế biến đòi hỏi biết mấy sự kì khu. Chính bởi vậy, chất lượng gạo thường tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn của ngay cả những thị trường khó tính nhất. Vì lẽ, tám xoan vẫn hay bị pha phách để con buôn, đại lí kiếm lời, chưa kể còn phải chịu “án oan” do gạo khác đội lốt. Và cũng còn vì lẽ, thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó có gạo, trong gạo lại có gạo tám xoan dường như chưa mạnh bằng thương hiệu của hạt gạo Thái, gạo Ấn... Cứ như thể một nghịch lí.
Thời bao cấp, ăn còn chưa đủ nên ít nhà nào dám ao ước được ăn bữa cơm gạo tám xoan. Mãi sau này, cách đây quãng chục năm, nhiều gia đình vẫn còn phải pha tám xoan với gạo thường chứ không dám chơi sang là thổi nguyên cả nồi thuần gạo tám xoan. Do đó, có lúc tám xoan đã trở nên quí, trở nên cao sang hệt như trong câu ca dao thưở nào: Cơm tám ăn với chả chim. Chồng đẹp, vợ đẹp chỉ nhìn mà no; rồi Hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà. Hồi cuối năm Quí Mùi, chúng tôi có dịp công tác tại Nam Định, ở nhờ một nhà trong thành phố. Bữa cơm tối, chị chủ nhà thết bữa cơm gạo tám xoan và đon đả: “Thứ gạo này không phải cứ có tiền là được ăn. Nhiều người mua đích thị gạo tám xoan và cũng đoan chắc như thế mà không biết rằng hoặc gạo bị pha hoặc là thứ gạo tám khác bị đánh lận con đen”. Có thể nhiều người còn bán tín, bán nghi nhưng đến nay, các nhà khoa học đã tìm ra tới 19 loại giống lúa tám thơm. Ngoài tám xoan còn phải kể đến tám trâu, tám cổ ngỗng, tám tiêu, tám bẹ... Nhưng gạo tám xoan là thứ gạo xếp đầu bảng trong họ hàng nhà gạo tám. Gạo tám xoan cũng là thứ gạo chỉ duy nhất được trồng và trồng được ở huyện Hải Hậu này.
Ngày trước, Hải Hậu vốn nổi tiếng là huyện thâm canh lúa đạt năng suất cao của cả nước. Nhưng ngay ở Hải Hậu, tám xoan cũng phải được trồng ở đất cửu An, nhất Phúc, tên cổ của chín thôn có chữ đầu là An và thôn Phúc Khải của các xã miền An, Ninh vùng ven hai dòng Ninh và Kim Giang. Giống gạo tám xoan vốn chúa kén đất. Trồng gạo tám xoan là cả một khâu đòi hỏi biết mấy công phu. Trồng gạo thường cực một thì trồng gạo tám xoan cực gấp ba, bốn lần. Từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch, chế biến là người làm nông phải lao tâm, khổ tứ nhiều lắm. Đất chọn trồng lúa tám phải là loại đất thực tốt. Lúc gieo mạ phải gieo sớm nhưng lại gặt muộn, gặt khi lúa chín tám, sau tiết trời lạnh. Chăm bón cho cây phải dùng phân chuồng kèm phân xanh là lá tràm, lá xoan được ủ. Dùng nhiều phân bắc, hạt gạo thu hoạch cứ nhạt thếch, mùi không còn lên hương, không còn vị thơm ngào ngạt của hương lúa tám xoan nguyên thủy. Mấy năm gần đây, khi lúa trở thành mặt hàng nông sản có thế mạnh, hạt gạo tám xoan lên ngôi, ngoài những địa phương có địa lợi trời cho, nhiều xã khác trong huyện cũng đã chọn vùng đất tốt để canh tác. Sản lượng gạo tám vào năm cao điểm đã đạt tới con số cả vạn tấn. Hạt gạo tám xoan Hải Hậu đã có mặt trong Nam, ngoài Bắc, được xuất khẩu ra thị trường thế giới nhưng chủ yếu vẫn theo con đường tiểu ngạch. Nhưng lấy thị trường Hà Nội làm ví dụ, không hiểu sao nhiều chợ của đất Hà thành lại bày bán gạo tám xoan, vẫn được trương lên qua biển chào mời, giới thiệu cắm trên sạp gạo, như thế. Tự nhiên, tôi nhớ đến lời chào mời đon đả của chị chủ nhà ở Nam Định năm rồi. Lại nghĩ đến sự mờ nhạt của thương hiệu hạt gạo Việt trên thị trường các nước. Hạt gạo tám xoan đã đi tàu, đi tây nhưng quả thực hành trình hội nhập thị trường thế giới của hạt gạo tám xoan với đúng cái tên nghe đã thấy dậy hương, đã thấy dẻo, thấy ngậy của nó hình như còn không ít khó khăn.
Mới đây, Hải Hậu đã có nhiều chương trình xây dựng thương hiệu cho hạt gạo tám xoan của đồng đất quê nhà. Hạt gạo Việt bây giờ đang cần thương hiệu cho tương xứng với 4,2 triệu tấn tổng sản lượng xuất khẩu, bởi vị trí liên tục là một trong số ba nước của thế giới dẫn đầu xuất khẩu mặt hàng nông sản này. Hạt gạo tám xoan lại càng cần, trước tiên để người tiêu dùng trong nước đỡ bị thiệt thòi, đất Hải Hậu không bị hàm oan bởi những thứ gạo xập xí xập ngầu. Người dân Hải Hậu cũng mừng. Việc đầu tiên là cần phải có hiệp hội sản xuất, kinh doanh, phải đăng kí thương hiệu cho hạt gạo cũng như hướng dẫn bà con thực hiện đúng qui trình sản xuất. Sản xuất gạo tám xoan theo mô hình sản xuất hàng hoá nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng hạt gạo chứ không thể biến thành canh tác đại trà, đấy là điều khó. Chính bởi vậy, hạt gạo tám xoan chỉ có thể đi xa hơn nữa trong hành trình hội nhập nếu như kết hợp được một cách hợp lí công thức canh tác cổ truyền với công nghệ hiện đại.
Chiến lược xuất khẩu gạo quốc gia đang cần được đầu tư chiều sâu, không phải chỉ nâng cao về sản lượng mà đòi hỏi nâng cao hiệu quả kinh tế. Hạt gạo tám xoan sẽ mang lại vàng cho nhà nông vì đáp ứng được những yêu cầu về chế biến gạo hiện nay khi mà yêu cầu nâng cao chất lượng loại gạo 5% và 15% tấm đang được đặt ra. Năm 2004, huyện Hải Hậu phấn đấu mở rộng diện tích canh tác lúa tám ở các xã vùng An- Ninh ven sông cùng nhiều xã khác. Sẽ không lạc quan quá khi hy vọng rằng trong hành trình hội nhập, để tham gia với thương hiệu và khẳng định được thương hiệu của mình, hạt gạo tám xoan chắc chắn không còn mấy nỗi truân chuyên.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.