(HNMO) – Trong bối cảnh nhiều mặt hàng như giá vàng, nguyên liệu đầu vào đang tăng giá, giá thực phẩm cũng có nhiều biến động, nhất là sau khi lũ lụt ở miền Trung xảy ra , ông Vũ Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cam kết từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá 9 nhóm mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố.
(HNMO) – Trong bối cảnh nhiều mặt hàng như giá vàng, nguyên liệu đầu vào đang tăng giá, giá thực phẩm cũng có nhiều biến động, nhất là sau khi lũ lụt ở miền Trung xảy ra , ông Vũ Thanh Sơn – Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cam kết từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá 9 nhóm mặt hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá của thành phố.
Bên cạnh đó, nếu thị trường biến động mạnh, Hapro sẽ bán giá thấp hơn thị trường 10% để kéo giá xuống.
Ông Sơn cũng cho biết, dự báo được tình hình, các mặt hàng lương thực – thực phẩm cuối năm thường hay tăng giá, Tổng công ty đã tăng cường ký hợp đồng với các nhà cung cấp, dự trữ hàng tại kho hàng của Hapro và tại nhà cung cấp. Hiện Hapro là một trong 13 doanh nghiệp được UBND TPHà Nội giao trọng trách giữ vai trò bình ổn giá trên địa bàn thành phố.
Những thông tin trên đã được ông Sơn nêu ra trong cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 8/11. Tại cuộc họp này, ông Sơn cũng cho biết, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Tổng Công ty đã tăng cường tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc nội địa chiếm tỷ lệ từ 60 – 80% trên tổng cơ cấu hàng hóa kinh doanh trong toàn hệ thống bán lẻ của Tổng công ty. Với định hướng ưu tiên những hàng hóa nội địa có chất lượng cao, có thương hiệu thay thế hàng nhập ngoại, doanh thu các mã hàng Việt Nam trong tổng doanh thu toàn hệ thống bán lẻ của Tổng công ty đã từ 30- 50% so với cùng kỳ. Các sản phẩm do các công ty thành viên của Tổng công ty sản xuất như rượu Vodka Hapro, rượu vang Thăng Long, mỳ Kuksu, các loại thực phẩm chế biến, rau của quả an toàn Hapro… chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được trưng bày, bày bán tại tất cả các địa điểm kinh doanh trong hệ thống phân phối của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng tại các huyện ngoại thành Hà Nội; trong năm 2010 này, Tổng công ty đã đẩy mạnh thực hiện được khoảng 700 – 1000 mã hàng/chuyến; bán hàng luân phiên tại các huyện, mỗi đợt bán hàng kéo dài từ 2-3 ngày, diện tích triển khai bán hàng từ 150m2- 300m2/chuyến.
Ông Sơn cũng chia sẻ, thực hiện được việc bán hàng trên là nỗ lực rất lớn từ Tổng công ty vì việc “rong ruổi” từ hết huyện này sang huyện kia rất vất vả, ảnh hưởng bởi thời tiết. Tổng công ty đang lên kế hoạch phát triển các điểm bán hàng cố định tới các huyện, xã, khắc phục “bỏ trắng” các điểm bán hàng của thương mại quốc doanh tại nông thôn như hiện nay.
Trong năm nay, cùng với chương trình bán hàng lưu động, Tổng công ty còn triển khai các phiên chợ hàng Việt
Tính đến hết tháng 10/2010, Tổng công ty đã triển khai được 45 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện trên địa bàn Hà Nội (trong đó có 23 phiên chợ hàng Việt). Trong các phiên chợ hàng Việt Nam, Tổng công ty đã mời thêm các đối tác là các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện cùng tham gia để góp phần đa dạng hóa bộ sản phẩm, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà… hấp dẫn, do vậy đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng các địa phương tới tham quan, mua sắm.
Ngoài ra, tham gia Tháng khuyến mại Hà Nội 2010 đang diễn ra trên địa bàn thành phố, Tổng công ty đã tham gia 64 điểm khuyến mại (trong đó có 32 điểm là siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, cửa hàng rau, thực phẩm an toàn Haprofood, 32 điểm là các cửa hàng chuyên doanh điện máy, thời trang, dịch vụ ăn uống…); trong đó có 4 điểm vàng là: Siêu thị Hapromart số 2 Ngô Xuân Quảng, Trung tâm TM Vân hồ 51 Lê Đại Hành, Trung tâm mua sắm Hapro 102 Thái Thịnh, siêu thị Hapromart C12 Thanh Xuân Bắc).
Ông Sơn cho biết, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động CBCNV trong toàn Tổng công ty tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nâng cao tỷ trọng các sản phẩm hàng Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm có thương hiệu, uy tín vào tiêu thụ trong hệ thống phân phối của Tổng công ty. Hapro cũng xây dựng kế hoạch làm việc với các nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng nội địa để có cơ chế khuyến mại phù hợp nhân dịp các ngày lễ Tết, ngày kỷ niệm lớn… nhằm kích thích tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nhãn hiệu Việt Nam.
Đáng chú ý, trong tháng 11 này, Tổng công ty sẽ tổ chức 9 phiên chợ Việt tại các huyện và thị xã như: Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Mỹ Đức (2 chuyến), Ứng Hòa, Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức; Trong tháng 12/2010 là 4 phiên chợ Việt tại Thanh Oai, Ứng Hòa, Mê Linh, Sơn Tây; đảm bảo hoàn thành 36 phiên chợ Việt tại 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Hơn nữa, Tổng công ty sẽ tập trung nghiên cứu hoạt động phân phối hàng nội địa, đặc biệt là các sản phẩm do Tổng công ty sản xuất (ưu tiên hàng Việt Nam có chất lượng, thương hiệu) tại các khu vực thị trường nông thôn, là bước đệm để hình thành hệ thống bán lẻ, phân phối văn minh, hiện đại tại các khu vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.