(HNMCT) - Nặn to he là một nghề độc đáo. Độc đáo vì cả nước duy nhất có riêng một mình làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) có nghề này. Độc đáo vì tò he là một đồ chơi của trẻ em được nặn rất nhanh mà lại rất nghệ thuật, rất hấp dẫn, lại rất rẻ tiền nữa…
Nghề nào cũng vậy, cũng thường có những cuộc thi tài để trao thưởng, để vinh danh những thợ khéo, thợ tài ba. Nghề nặn to he cũng đã từng có những cuộc thi lý thú đầy hấp dẫn.
Những người cao tuổỉ làng Xuân La còn nhớ như in một cuộc thi nặn chim cò (xưa gọi là nặn chim cò, ngày nay gọi là nặn tò he) do làng tổ chức vào ngày Hội làng khoảng năm 1956- 1957. Ngày đó, cả làng nô nức chào đón cuộc thi. Nhà nào cũng có người tham gia dự thi. Những bàn tay tài khéo dồn hết tinh thần, trí tuệ, tâm huyết của mình thổi hồn vào tác phẩm để đem ra thi thố. Tại cuộc thi, rực lên những màu sắc, những hình ảnh, những kiểu dáng của mọi hình mẫu đủ loại trên đời, thu hút không chỉ người trong làng mà người các làng xung quanh cũng háo hức về xem trong không khí tưng bừng náo nhiệt. Cuộc thi đã được Ban giám khảo và dân làng trao nhiều giải, trong đó giải nhất thuộc về cụ Vũ Văn Sai với tác phẩm Võ Tòng đả hổ…(Chỉ tiếc rằng những tác phẩm đạt giải này đều làm bằng chất liệu bột gạo, không thể lưu giữ được cho đến ngày nay, và tác giả của nó cũng đã đi xa).
…Sau một thời gian bị chìm lắng do chiến tranh, đến thời kỳ đổi mới, nghề nặn chim cò (nay là tò he) lại được khôi phục và ngày càng nở rộ, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII "…Phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…", nghề nặn tò he được tôn vinh, được sang Nhật, sang Mỹ và quảng bá trên thế giới.
Năm 2009, Câu lạc bộ (CLB) tò he Xuan La được thành lập. Ngày 7-10-2010, làng Xuân La tổ chức kỷ niệm 1 năm thành lập CLB. CLB tò he Xuân La đã tổ chức Hội thi nặn tò he tại làng. Đây là một ngày hội lớn của làng Xuân La sau nhiều năm bị mai một. Cờ hoa rực rỡ. Trống, nhạc sôi nổi rộn vui cả làng. Báo chí, đài truyền hình về quay phim, chụp ảnh khá đông. Có 27 thí sinh tham gia thi tài. Ban giám khảo là các giáo sư, các nghệ nhân nặn tò he cao niên có tay nghề cao, có uy tín của làng. Thí sinh phải thực hiện ba phần thi: thi nặn theo đề tài ghi trong phiếu mà thí sinh gắp được; thi theo chủ đề do Ban tổ chức đề ra là nặn con rồng thời Lý, và thi nặn tự chọn theo sở thích của mình. Mỗi phần thi được thực hiện chỉ trong 10 phút. Kết quả: các thí sinh đều nặn rất tốt, tỏ ra rất khéo tay, con tò he nào cũng rất sinh động, màu sắc rất đẹp mắt mà chỉ thao tác trong 10 phút! Ban tổ chức đã lựa chọn trao 1 giải đặc biệt, 3 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba, còn lại là giải khuyến khích. Có thể nói đây là một cuộc thi tập dượt cho cuộc thi lớn, quy mô trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Trong chương trình Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội năm 2010, nghề nặn tò he Xuân La là nghề duy nhất của huyện Phú Xuyên được tổ chức cuộc thi trong dịp "Lễ hội làng nghề- phố nghề 1000 năm Thăng Long- Hà Nội" tại vườn hoa Bách Thảo. Đúng sáng ngày 19-9-2010, cuộc thi được tổ chức với 15 nghệ nhân tham gia thi tài thu hút đông đảo nhân dân Thủ đô say mê thưởng thức và trầm trồ ngợi khen. Trong dịp này, làng Xuân La đã rước về Lễ hội sản phẩm tò he là một con rồng mang dáng rồng thời Lý nặng 300kg, dài 3 mét, một con rùa và một mâm ngũ quả, đều bằng bột công nghệ của Đài Loan để lưu giữ được lâu dài (ảnh trên). Người dân Thủ đô và cả khách quốc tế vây quanh các thí sinh ngắm nhìn các bàn tay vàng nặn tò he như múa mà say mê, thích thú, trầm trồ ngợi khen hết lời! Trong ngày thi nặn tò he này, đồng chí Bí thư huyện uỷ Phú Xuyên Trương Thế Cầu đã có mặt trong suốt buổi để chứng kiến, động viên các nghệ nhân làng Xuân La.
… Cuối tháng 10- 2011 vừa qua huyện Phú Xuyên tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống lần thứ nhất, làng Xuân La lại được Ban tổ chức dành cho một buổi thi nặn tò he vào sáng 27-10-2011. CLB tò he Xuân La đã công phu nặn một bông hoa sen lớn- một loại hoa đẹp đang được bình chọn là Quốc hoa- rước về lễ hội. Bông hoa sen với đường kính 0,9mét, nặng 30- 40kg, trên đường rước về Lễ hội, đi đến đâu, người đi đường cũng dừng chân ngoái nhìn chiêm ngưỡng và tấm tắc khen ngợi. Buổi thi diễn ra khá hoành tráng. 30 nghệ nhân trong trang phục áo the dài truyền thống ngồi trước hai hàng bàn hai bên Lễ đài trịnh trọng thi thố tài năng trong tiếng đàn, lời ca của các ca sĩ cũng của làng Xuân La cổ vũ. Cuộc thi diễn ra 30 phút với 2 phần thi: thi nặn hình vua Hùng Vương hoặc vua Lý Thái tổ và nặn tự chọn một sản phẩm theo sở trường của mình. Người xem kéo đến mỗi lúc một đông. Các sản phẩm tò he hiện dần dưới bàn tay vê vê, nặn nặn, nắn vuốt…của những nghệ nhân nông dân điệu nghệ làng Xuân La thật là sinh động, hấp dẫn, thu hút lạ thường. Có sản phẩm tuy cùng một chủ đề, nhưng mỗi nghệ nhân lại có một kiểu dáng riêng, một nét đặc sắc riêng thể hiện tài ba riêng, phong cách riêng của mình. Có thể nói, trong Lễ hội này, nghề nặn tò he và những sản phẩm tò he Xuân La thu hút sự chú ý, sự quan tâm, sự ngợi khen nhiều nhất của khách tham quan, dự Hội.
…Tôi đã từng được mời tham dự các hội thi nặn tò he Xuân La thời nay, mỗi lần dự là một lần cảm xúc mới, một lần hấp dẫn, say mê mới, không bao giờ thấy chán. Và vì thế, càng say mê những con tò he thì lại càng yêu quý những nghệ nhân tò he của làng Xuân La đồng chiêm đất trũng quê mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.