(HNM) - Không còn nếp nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ngay từ những ngày đầu năm mới, hơn 98% người lao động đã trở lại nhà máy, công xưởng... hào hứng bắt tay vào công việc.
Sản xuất linh kiện phục vụ hoạt động công nghiệp tại Công ty Năng lực Việt (Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Không còn “tháng ăn chơi”!
Khác với những năm trước, tình hình lực lượng lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất hầu như không biến động. Số lượng công nhân trở lại các doanh nghiệp ổn định. Tới ngày 22-2 (mùng 7 Tết), tổng số lao động trở lại làm việc đạt hơn 98%. Đáng chú ý, tình trạng “nhảy việc” xảy ra rất ít.
Năm nay, tỷ lệ lao động trở lại làm việc cao hơn năm trước do các chính sách hỗ trợ, thưởng Tết và phúc lợi cho người lao động đã được cải thiện. Sau kỳ nghỉ Tết 7 ngày, chị Nguyễn Thị Thuận (quê Hà Tĩnh, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam) trở lại công ty làm việc với niềm hân hoan và khí thế mới.
Chị Nguyễn Thị Thuận cho biết, năm nay chị được công ty tổ chức xe đưa về quê ăn Tết và hết kỳ nghỉ, lại được xe của công ty đón trở lại Hà Nội để bắt đầu làm việc từ ngày 22-2. Trong buổi sáng đầu tiên đi làm trở lại, tất cả công nhân đều được lãnh đạo công ty mừng tuổi, khiến người lao động rất phấn khởi và hào hứng bắt tay ngay vào công việc.
Ngay từ sáng sớm ngày 21-2 (mùng 6 Tết Mậu Tuất), anh Nguyễn Xuân Hòa, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, đã chuẩn bị sẵn sàng để bước vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Anh Nguyễn Xuân Hòa vui vẻ chia sẻ, sẽ quyết tâm làm việc để có được thành quả tốt nhất và mong muốn công ty ngày càng chuyên nghiệp trong quản lý, minh bạch trong việc tăng lương, thưởng; có nhiều hoạt động chăm lo đời sống của công nhân để người lao động an tâm làm việc.
Đánh giá về tình hình người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Phạm Khắc Tuấn cho biết, sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cán bộ, công nhân tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã trở lại làm việc bình thường. Tính đến ngày 23-2, tỷ lệ công nhân trở lại đơn vị, doanh nghiệp đạt trên 98%. Không khí lao động khẩn trương, tích cực ngay trong những ngày đầu tiên của năm đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức làm việc hiệu quả.
Quan tâm toàn diện quyền lợi người lao động
Sản xuất máy in tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Các doanh nghiệp đã sôi động "nhịp sống" thường nhật với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam Phạm Thị Bích Hải cho biết, năm nay doanh nghiệp thưởng Tết khoảng 3,2 tháng lương/người (bình quân 5 triệu đồng/tháng lương). Bên cạnh đó, các chính sách về lương, phụ cấp, bảo hiểm, phúc lợi được cải thiện nên người lao động rất yên tâm, phấn khởi. Vì vậy, tới ngày 22-2, khi công ty bắt đầu làm việc, đã có hơn 99% công nhân quay lại làm việc. Đây là thành công lớn, báo hiệu một năm sản xuất - kinh doanh thuận lợi.
Còn theo ông Phạm Khắc Tuấn, mấy năm trở lại đây, công nhân quay lại làm việc chiếm tỷ lệ cao do công việc và thu nhập ổn định, chính sách đãi ngộ cho người lao động của doanh nghiệp được cải thiện. Trong năm vừa qua, mặc dù hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng phần lớn đều có thưởng Tết cho công nhân lao động, với mức cao nhất là 235 triệu đồng và thấp nhất là 500.000 đồng.
Đặc biệt, từ cuối tháng 10-2017, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch, chỉ đạo 100% công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động chăm lo cho công nhân lao động dịp Tết Mậu Tuất 2018.
Cùng với Liên đoàn Lao động thành phố, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội còn tổ chức 58 chuyến xe miễn phí, đưa 2.239 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết cùng gia đình. Nhiều công đoàn cơ sở cũng phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức xe ô tô đưa, đón hàng chục nghìn công nhân lao động về quê như Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam…
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp có chế độ mừng tuổi hoặc trả mức lương cao cho công nhân nếu quay trở lại làm việc sớm. Những hoạt động này đã góp phần gắn bó người lao động với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp loại bỏ gánh nặng thiếu lao động dịp sau Tết vẫn diễn ra hằng năm.
Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết: Sau 7 ngày nghỉ Tết, tỷ lệ công nhân trở lại đơn vị, doanh nghiệp đạt 98% với tinh thần nghiêm túc, không khí lao động khẩn trương, tích cực diễn ra ngay ngày đầu tiên của năm mới là con số “trong mơ”, chấm dứt nỗi lo về tình trạng khan hiếm nhân công sau mỗi kỳ nghỉ Tết của nhiều doanh nghiệp. Đây cũng là căn cứ thể hiện sự hài lòng của người lao động khi quyền lợi của họ được chủ doanh nghiệp và các tổ chức công đoàn quan tâm thỏa đáng, toàn diện hơn trong năm qua…
Niềm vui, tinh thần hứng khởi trong những ngày làm việc đầu năm của công nhân lao động là tiền đề quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh tại các doanh nghiệp trong năm mới Mậu Tuất, từ đó đóng góp vào nỗ lực chung hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước trong năm 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.