(HNM) - Thời gian gần đây, nạn đua xe tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... diễn ra hết sức phức tạp. Cứ vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ tết, từng đám
Lực lượng Cảnh sát cơ động xử lý các trường hợp đua xe trái phép trên địa bàn TP.
- Xét ở góc độ xã hội học, nguyên nhân nào khiến giới trẻ lao vào đua xe dù biết đó là hành vi trái pháp luật, thưa Tiến sĩ?
- Hành vi đua xe của giới trẻ, với quy mô lớn hay nhóm nhỏ, thực hiện một cách tự phát, trên thực tế đã trở thành hành vi gây rối trật tự công cộng và là hành vi lệch chuẩn trong xã hội. Tuy nhiên, trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, của bất kỳ thể chế chính trị nào thì những hành vi lệch chuẩn như vậy của giới trẻ luôn luôn xuất hiện. Những hành vi này, về bản chất thực ra không phải là cái gì ghê gớm lắm, nhưng khi sự tụ tập để gây rối, đua xe với quy mô lớn và gây nên mối quan ngại cho xã hội thì đương nhiên chúng ta phải xem xét. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi đua xe của giới trẻ. Như chúng ta đã biết, giới trẻ đặc biệt là vị thành niên tiêu biểu cho nhóm xã hội đặc thù có xu hướng sử dụng tiểu văn hóa của mình để chống đối lại văn hóa chung của cả cộng đồng. Do đó, nhiều khi họ đua xe đơn giản chỉ là để nghịch ngợm, giễu cợt hay "tôn vinh" lẫn nhau hoặc nhằm giành một phần thưởng nào đó và có cảm giác sung sướng vì đã thách thức những người đang duy trì trật tự xã hội. Và đây là nguyên nhân chính khiến giới trẻ lao vào đua xe.
- Tâm lý lứa tuổi đóng vai trò như thế nào trong hành vi đua xe của giới trẻ?
- Tâm lý lứa tuổi không giữ vai trò quyết định nhưng hết sức quan trọng. Giới trẻ tò mò, thích khám phá, thích chơi nổi, thích tạo dựng sự việc cuốn hút sự chú ý của cộng đồng xã hội và trong mắt họ, đua xe là hành vi khiến họ được chú ý.
Trong một xã hội trật tự, yên ổn như ở châu Âu, tôi quan sát thấy có những thành viên đang đi ngoài đường thỉnh thoảng lại hú lên để gây sự chú ý. Hiểu tâm lý lứa tuổi, chúng ta có thể hướng giới trẻ vào những việc khác, có lợi cho cộng đồng; chuyển hóa tâm lý lứa tuổi sang những hành vi có tính hướng thiện thì sẽ rất tốt.
- Có một thực tế là luật pháp của ta chưa được thực hiện nghiêm. Không ít trường hợp thanh niên đua xe bị công an bắt nhưng ngay sau đó lại được thả do có người bảo lãnh. Điều này sẽ để lại hậu quả gì, thưa Tiến sĩ?
- Đúng là có hiện tượng đó. Điều này dẫn đến hậu quả hết sức tai hại là bất công xã hội gia tăng, khiến công dân không tôn trọng kỷ cương, thậm chí khinh nhờn phép nước. Sự nể nang tạo tiền lệ xấu, cản trở việc xử phạt một cách minh bạch, công khai, có thể khiến quyết sách của giới hữu trách bị vô hiệu hóa. Và chắc chắn việc này sẽ gây bất lợi cho quá trình quản lý xã hội.
- Có ý kiến cho rằng, để ngăn chặn nạn đua xe thì cần sử dụng những biện pháp mạnh như sung công các phương tiện, công bố tên tuổi người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, truy tố… Suy nghĩ của Tiến sĩ về vấn đề này ra sao?
- Gần đây, có ý kiến đề xuất là chúng ta nên sung công những phương tiện tham gia đua xe để làm lợi cho công quỹ, cũng có ý kiến cho rằng nên tiêu hủy. Theo tôi, chúng ta nên sử dụng những biện pháp mạnh dưới những hình thức làm lợi cho công ích như tịch thu gây công quỹ. Tuy nhiên, tất cả những nhân vật đứng ra bao che hay can thiệp, giải cứu những trường hợp vi phạm pháp luật cũng cần phải được xem xét, xử lý. Với mức độ phạm tội nặng thì chúng ta phải tiến hành truy tố. Cần có những vụ án điểm và có như vậy thì trật tự xã hội mới được vãn hồi.
- Theo Tiến sĩ, làm thế nào để giảm thiểu tình trạng đua xe trái phép?
- Có một câu nói cửa miệng rất đúng rằng đây là việc làm "không của riêng ai". Sự vào cuộc của một mình cơ quan chức năng sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề. Theo tôi, chúng ta cần đặt nặng việc tuyên truyền giáo dục trong mỗi gia đình. Bên cạnh đó, các thiết chế chính trị có trách nhiệm giáo dục và quản lý các nhóm xã hội như đoàn thanh niên cũng phải gia tăng trách nhiệm của mình, làm tốt việc tuyên truyền vận động đi kèm với phổ biến, trang bị các kiến thức về luật pháp cho giới trẻ. Mặt khác, hiện giới trẻ đang rất thiếu sân chơi. Chính vì vậy, chúng ta nên tổ chức các sân chơi dành cho giới trẻ như những cuộc đua xe thể thao mạo hiểm được tổ chức một cách chính thống và có bảo hiểm, có giải thưởng… tức là tạo cảm giác mạnh trong một môi trường an toàn cho giới trẻ.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.