Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình tìm vé và huy chương

Thùy An| 01/01/2012 06:51

(HNM) - Trong cả năm 2011, ngoài SEA Games 26, mục tiêu giành vé tham dự Olympic 2012 được ngành thể thao Việt Nam đặc biệt coi trọng. Khi hành trình tìm vé dự Olympic 2012 đã gần kết thúc thì vấn đề đầu tư cho các tài năng có khả năng đoạt huy chương tại Olympic 2012 cần được đặt ra.


Gian nan tìm suất dự Olympic

Giành suất trực tiếp tham dự Olympic chưa bao giờ là mục tiêu dễ dàng với các VĐV Việt Nam. Ở nhiều môn, so với việc đoạt HCV SEA Games, giành suất dự Olympic thường khó hơn hẳn. Những kỳ Olympic trước, không nhiều VĐV Việt Nam giành quyền tham dự thông qua các vòng loại, chỉ trên dưới chục người. Điều này cũng phản ánh sự hạn chế các môn thể thao đỉnh cao của Việt Nam. Phải đến sau ASIAD 16, sẵn đà vươn lên của một loạt môn thể thao Olympic, thể thao Việt Nam mới đặt mục tiêu có từ 20 VĐV đến 30 VĐV giành quyền trực tiếp tham dự Olympic 2012. Các nhà quản lý cũng có lý khi đặt ra mục tiêu này bởi về mặt nào đó, việc có đông đảo VĐV dự Olympic cũng là cách để khẳng định nhiều môn thể thao Việt Nam đã tiếp cận hoặc ở trình độ thế giới.

VĐV TDDC Phan Thị Hà Thanh đã có một năm thi đấu xuất sắc giành quyền vào thẳng Olympic 2012.


Thế nhưng, hiện thực hóa được mục tiêu trên không dễ. Trong năm 2011, qua hàng loạt giải đấu tuyển chọn, số VĐV Việt Nam giành chuẩn dự Olympic 2012 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến cuối năm 2011, chính thức mới có Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh (Taekwondo), Văn Ngọc Tú (Judo) giành quyền tham dự Olympic. Những Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Hoàng Quý Phước (bơi), Trần Lê Quốc Toàn hoặc Thạch Kim Tuấn (cử tạ, hạng 56kg nam) vẫn còn phải chờ các Liên đoàn thể thao thế giới công bố danh sách dự Olympic 2012 mới biết có được tham dự hay không.

Trong các VĐV Việt Nam đã giành quyền dự Olympic 2012, trường hợp Văn Ngọc Tú (hạng 48kg) khá may mắn. Do quy định của Liên đoàn thế giới rằng trong 8 hạng cân nữ Châu Á, mỗi quốc gia chỉ được cử 1 VĐV dẫn đầu hạng cân dự Olympic 2012 nên VĐV người Kazakhstan, đang dẫn đầu hạng 48kg nữ Châu Á phải nhường suất đến London 2012 cho một đồng hương. Vì vậy, Văn Ngọc Tú dù xếp thứ nhì châu lục nhưng vẫn giành quyền tham dự. Trước đó, tưởng cơ hội đã qua tầm tay Văn Ngọc Tú khi cô liên tiếp thua trận tại các vòng loại Olympic và tụt lại khá xa trên bảng xếp hạng châu lục.

Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ) lại ở hoàn cảnh khác. Cô gái đất Cảng thậm chí không có tên trong danh sách các VĐV được đầu tư trọng điểm chuẩn bị cho Olympic 2012. Chỉ nhận mức đầu tư vừa phải nhưng chính Hà Thanh lại gây bất ngờ bằng việc đoạt HCĐ nội dung nhảy ngựa tại Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới và đương nhiên giành suất tham dự Olympic 2012. Đây là may mắn cho các nhà quản lý thể thao Việt Nam, dù là thất bại về khâu dự báo thành tích VĐV.

Trong khi đó, những VĐV điền kinh, vật, bắn súng vẫn miệt mài tìm vé dự Olympic 2012. Được đầu tư mạnh nhất là tổ chạy ngắn và trung bình của điền kinh Việt Nam. Nhưng kết quả thu được trong năm 2011 lại là số 0 tròn trĩnh. Vũ Thị Hương chấn thương khi tập huấn tại Đức, không kịp  hồi phục để tìm lại phong độ. Trương Thanh Hằng không bị chấn thương nhưng cũng không thể vươn đến chuẩn B dù đã có lúc tưởng như chạm đến tại SEA Games 26. Những môn khác như vật, bắn súng, bóng bàn cũng chưa tìm được vé dự Olympic 2012. Còn bóng đá nam, bóng đá nữ cũng sớm nói lời chia tay với mục tiêu tham dự Olympic. Không phải ngẫu nhiên mà sau này, các nhà quản lý đã hạ chỉ tiêu giành suất chính tham dự Olympic 2012 xuống còn 10 VĐV đến 15 VĐV. Thực tế, trình độ VĐV Việt Nam mới chỉ có thế. Trừ khi những Pencak Silat, Wushu, Vovinam… được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic mới mong có khoảng 30 VĐV giành vé dự một kỳ Olympic. Nhưng hiện nay và khoảng 15-20 năm nữa, điều này vẫn khó xảy ra.

Giành vé và giành huy chương

Giành vé tham dự Olympic đã khó, giành huy chương ở Olympic càng khó hơn. Trong 7 lần tham dự Olympic, thể thao Việt Nam mới giành được 2 HCB. Trên bảng tổng sắp mỗi kỳ Olympic, giành được một huy chương cũng đủ làm thay đổi vị thế của một đoàn thể thao và rộng hơn là một nền thể thao. Tham dự Olympic là để giành huy chương, để giành lấy sự tôn trọng của các đoàn khác là quan điểm hoàn toàn có lý. Lúc này, thể thao Việt Nam cần tiếp tục duy trì cả hai mục tiêu: có càng đông VĐV tham dự Olympic càng tốt và đầu tư mạnh tay cho những VĐV có khả năng giành huy chương Olympic, bởi không phải VĐV nào dự Olympic cũng có khả năng giành huy chương. Hy vọng tranh chấp huy chương Olympic 2012 của thể thao Việt Nam lúc này mới tạm trông vào Phan Thị Hà Thanh, Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ). Phan Thị Hà Thanh mới đoạt HCĐ thế giới, Trần Lê Quốc Toàn xếp hạng Tư tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2011, chỉ kém người đoạt HCĐ 2kg. Tại SEA Games 26, Trần Lê Quốc Toàn đạt mức cử tổng là 280kg, hơn 3kg so với thành tích đoạt HCĐ Giải vô địch thế giới. Khả năng đạt mức 285kg - 287kg (có thể đoạt HCĐ Olympic) của Trần Lê Quốc Toàn trong 7 tháng tới là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy đầu tư cho nhóm có khả năng giành vé đến Olympic 2012 là một thì mức đầu tư cho nhóm có khả năng giành huy chương Olympic 2012 phải là mười. Bởi đơn giản, thành bại của thể thao đỉnh cao Việt Nam trong năm 2012 trông cả vào Olympic 2012. Có lẽ, những nhà quản lý quá hiểu điều này sau những thất bại tại Olympic Athens 2004 hay thành công (dù chỉ là 1 HCB) tại Olympic 2000 và Olympic 2008.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành trình tìm vé và huy chương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.