(HNM) - Từ ngày 15 đến 20-7 tới đây, lần đầu tiên nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam hay nói chính xác là tranh sơn ta có một triển lãm tại Hàn Quốc, trưng bày ở phòng tranh Ganainsa Art Center ngay giữa trung tâm thủ đô Seoul.
Nhận lời mời của Quỹ HansaeYes24 của Tập đoàn Hansae Hàn Quốc, gallery Art Tunnel của Việt Nam bắt đầu thực hiện ý tưởng giới thiệu tranh sơn mài Việt Nam đến xứ sở Kim chi với tư cách là đơn vị giám tuyển và đồng tổ chức. Như chúng ta cũng biết, sơn mài là chất liệu chiết xuất từ cây sơn, đã được người Việt Nam sử dụng từ hơn 2.500 năm trước để phủ lên đồ gia dụng, đồ thờ cúng, thủ công mỹ nghệ… Phải đến năm 1925, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ở Hà Nội, cùng với sự tiếp cận nghệ thuật hàn lâm Châu Âu và tư duy nghệ thuật truyền thống, các họa sĩ Việt Nam đã mạnh dạn sử dụng, đưa chất liệu sơn mài vào các tác phẩm.
Tác phẩm "Nhà và cây" của Phạm Thăng Long sẽ được giới thiệu tại Hàn Quốc. Ảnh: VnExpress |
Thời đó, họa sĩ Nguyễn Khang là người có nhiều tìm tòi sáng tạo chất liệu này, ông tán nhỏ vàng, bạc thành cám, dùng rây rắc lên bề mặt sơn, sau đó mài đi. Nghệ nhân Đinh Văn Thành từ chất liệu sơn quang dầu sáng tạo ra chất liệu sơn cánh gián và sơn then (đen). Họa sĩ Trần Văn Cẩn cùng Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân tìm ra cách pha chế để vẽ được nhiều lớp sơn chồng lên nhau và mài, thể nghiệm thành công sơn mài với sơn son, vỏ trứng. Họa sĩ Trần Quang Trân lại tạo ra chất xốp trong sơn mài bằng cách rắc bạc vụn. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã đưa hội họa một cách đích thực vào sơn mài khi tìm ra sắc độ, hình vẽ trên ước lệ màu sắc cũng như đem chất liệu vỏ trứng, xà cừ, vỏ trai vào tranh để tạo hình. Họa sĩ Nguyễn Sáng với tác phẩm "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" làm một cuộc cách tân đáng kể khi khai thác thành công nghệ thuật hội họa phương Tây và cách tạo hình dân gian Việt Nam trong tác phẩm sơn mài, đưa sơn mài lên tầm cao mới, trở thành một phần quan trọng và đặc trưng trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Với sự đặc sắc, một minh chứng cho sự kết hợp hài hòa Á - Âu trong hội họa, nghệ thuật tranh sơn mài là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam, tuy đã từng có cơ hội bước ra thế giới nhưng chưa nhiều. Lần này là một chuyến đi quan trọng, vừa là dịp để giới thiệu với công chúng Hàn Quốc nghệ thuật đặc biệt của Việt Nam, vừa tăng cường giao lưu văn hóa hai nước và hẳn người làm nghề không giấu những hoạch định để có được bước tiến cho tranh sơn mài Việt Nam nói riêng và mỹ thuật nước ta nói chung trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Chính vì thế, việc lựa chọn đem tác phẩm nào, của ai đến Hàn Quốc khiến những người tổ chức khá đau đầu... Và sau cùng, Trần Quốc Hùng giám tuyển quyết định chọn tranh với hai phong cách: 12 tác phẩm theo phong cách tạo hình truyền thống của 6 họa sĩ Hà Anh Tuấn, Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Nghĩa Dậu, Nguyễn Tấn Cường, Nguyễn Hiệp Anh, Đức Hùng và 30 tác phẩm với phong cách tạo hình hiện đại của 8 họa sĩ Nguyễn Trường Linh, Trần Phi Trường, Nguyễn Hải Nam, Đỗ Khải, Phạm Thăng Long, Hoàng Hữu Vân, Ngô Hải Yến, Đặng Hiền.
Đa số những tác giả này đều nằm trong Nhóm họa sĩ sơn ta Việt Nam, tự tập hợp và hoạt động 2 năm nay với nguyên tắc: Kế thừa thành quả của thế hệ đi trước bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật, quy trình sử dụng chất liệu sơn ta và tìm tòi sáng tạo ngôn ngữ thể hiện mới để phát huy vẻ đẹp của chất liệu này. Các tác phẩm được lựa chọn đã đáp ứng được tiêu chí thể hiện được gốc sơn ta với kỹ thuật mài đạt "phẳng, bóng, trong" đồng thời cho thấy tiếng nói của thời đại qua cách thể hiện mềm mại, giàu cảm xúc và nhịp điệu.
Nếu thành công lần này tại Hàn Quốc, thì cơ hội bay cao, vươn xa của nghệ thuật Việt Nam sẽ càng rộng mở hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.