(HNM) - Nhiều nhà hát, CLB nghệ thuật dân tộc đã cố gắng đưa văn hóa Việt đến gần du khách bằng cách tạo dựng chương trình, điểm diễn mới. Thế nhưng, cho đến nay mới chỉ có múa rối nước Thăng Long là tạo được thương hiệu trên thị trường du lịch quốc tế. Các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, chèo, ca trù... chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các hãng lữ hành cũng như du khách trong và ngoài nước.
Vì sao các hãng lữ hành chưa mặn mà?
Đi vào hoạt động được gần một năm, đền Quán Đế (28 Hàng Buồm) đã trở thành điểm hẹn của nhiều du khách quốc tế yêu ca trù vào tối thứ bảy hằng tuần. Không chỉ được cảm thụ âm nhạc truyền thống, du khách đến đây còn được các ca nương, nghệ nhân của CLB Ca trù Thăng Long mời thưởng trà, hạt sen và được hướng dẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc. Mới đây, ngày 12-9, CLB Ca trù Thăng Long lại khai trương thêm một điểm diễn thứ hai tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Dù tối nào cũng chăm chỉ "đỏ đèn" nhưng hiệu quả ở điểm diễn thứ hai này không như mong đợi, khách quen lui tới thường là những cán bộ về hưu ở quanh khu vực phố cổ.
Thiếu cơ sở hạ tầng và sự liên kết, nhiều môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam chưa đến được với khách du lịch. Ảnh: Phương An |
Kiên nhẫn đối mặt với khó khăn để duy trì hai điểm biểu diễn trên, ca nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long cho biết: "Để nghệ thuật ca trù đến được với du khách phải biết chấp nhận thăng trầm và gian nan. Với điểm biểu diễn ca trù đầu tiên, chúng tôi phải mất gần một năm mới có được lượng khách ổn định ở mức khiêm tốn, từ 10 đến 20 người/buổi diễn, chủ yếu là khách lẻ do CLB tự khai thác chứ không có khách đoàn đi theo tour của các công ty du lịch. CLB đã giới thiệu chương trình biểu diễn đến nhiều hãng lữ hành, những mong họ hợp tác để đưa môn nghệ thuật truyền thống này đến với du khách. Thế nhưng nhiều hãng lữ hành không đưa ca trù vào tour phục vụ du khách. Nghệ sĩ cần có sự vào cuộc thực sự của những người làm du lịch".
Cũng như CLB Ca trù Thăng Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng trang web song ngữ Anh - Việt từ năm 2008 và lên lịch biểu diễn định kỳ 2 buổi /tuần để phục vụ khách quốc tế. Kết quả là dù được lựa chọn, luyện tập kỹ càng nhưng các tiết mục tuồng vẫn không có chỗ đứng trong lòng du khách. Làng chèo cũng thử sức bằng việc cho ra mắt 3 điểm biểu diễn trong vòng 2 năm qua. Chương trình của Nhà hát Chèo Việt Nam ra rạp Kim Mã với nhiều sân khấu lớn nhỏ, Nhà hát Chèo Hà Nội mời khách các trích đoạn chèo cổ ở 15 Nguyễn Đình Chiểu và rạp Đại Nam trên phố Huế nhưng hiệu quả chưa cao. Một chuyên gia trong ngành "công nghiệp không khói" đánh giá: "Để thực sự hấp dẫn du khách, sân khấu chèo cần phải được nâng cấp, chuyên môn hóa về mọi mặt để trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng".
Lý giải thực trạng trên, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Trái Tim Việt cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa xây dựng được những điểm biểu diễn thực sự chuyên nghiệp, chưa có "thực đơn" phong phú đủ đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa, vì vậy chưa thể giữ chân du khách. Hiện các hãng lữ hành mới chú trọng đưa món đặc sản múa rối nước vào các tour bởi trên địa bàn Thủ đô chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long có diện tích đủ rộng để đáp ứng nhu cầu của nhiều đoàn khách. Mặt khác, nhà hát này lại tọa lạc tại địa điểm đẹp, giao thông thuận tiện. Các điểm diễn ca trù thường nhỏ, lại nằm trên khu phố cổ chật hẹp, gây khó khăn cho việc đưa đón khách. "Chưa bàn đến chất lượng chuyên môn, chỉ nhìn vào cơ sở vật chất của các điểm diễn là đã thấy chưa thể đáp ứng nhu cầu của du khách. Mỗi điểm diễn nhỏ thường chỉ đủ chỗ cho khoảng 20 người, thật khó để tổ chức cho một đoàn từ 30-50 người chứ chưa nói gì đến nhiều đoàn khách đến đây cùng một lúc", ông Nguyễn Hữu Thành nhận xét.
Phải đầu tư thỏa đáng
Có thể khẳng định rằng, việc đưa nghệ thuật vào phục vụ khách du lịch nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa tới du khách quốc tế là rất cần thiết. Nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… đã triển khai và đạt được thành công với sản phẩm du lịch đặc sắc này. Ở nước ta, việc làm này chưa thể tạo hiệu quả tức thì, tuy nhiên thời gian không chờ đợi, câu hỏi là làm sao rút ngắn đường tới thành công. Theo chuyên gia lữ hành, để chương trình nghệ thuật tạo được ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế thì chắc chắn phải nâng cấp cơ sở vật chất và nội dung chương trình. Nên thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước góp vốn đầu tư xây dựng điểm diễn và tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật quy mô. Trước mắt, chúng ta chưa thể có ngay rạp hát cho từng CLB nghệ thuật, nhưng hoàn toàn có thể xây dựng một rạp hát ở vị trí giao thông thuận tiện dành cho nhiều đơn vị cùng biểu diễn phục vụ du khách…
Trên hết, ngành du lịch và văn hóa phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa, xây dựng kế hoạch hợp tác theo lộ trình cụ thể, khoa học thì mới mong có được thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.