Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình 20 năm đi tìm đồng đội

Hà Hiền| 22/06/2017 07:03

(HNM) - Biết tin khách đến nhà, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Đức Phổ (thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức) từ ruộng rau đầu làng vội vã về tiếp khách. Bước chân tập tễnh nhưng ánh mắt luôn đau đáu nhớ về đồng đội, ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về hành trình hơn 20 năm đi tìm đồng đội.

Ân tình đồng đội

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Phổ say sưa kể về chiến trường, về những đồng đội đã ngã xuống bảo vệ tấc đất quê hương mà quên đi chiến công của bản thân. Dù còn vài mảnh đạn trong người, dù bị thương trong chiến tranh khiến chân trái của ông ngắn hơn chân phải 4cm, bước đi tập tễnh, khó nhọc, nhưng với người cựu chiến binh này: “Mất mát ấy có là gì đâu so với những đồng đội đã ngã xuống, nằm lại chiến trường...”.

Thương binh Nguyễn Đức Phổ xem lại những kỷ vật cũ.


Với tình cảm ấy, suy nghĩ ấy, vào những năm đầu thập kỷ 9 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Đức Phổ đã thuyết phục vợ con bán đi đàn lợn, vài nong tằm, bắt đầu hành trình tìm, đưa hài cốt đồng đội về với gia đình, quê hương. Vốn làm công tác văn thư, ghi chép quân số của Tiểu đoàn D96, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên nên ông Nguyễn Đức Phổ nhớ rõ tên, tuổi, quê quán, đặc điểm, vị trí hy sinh, chôn cất của nhiều đồng đội. Căn cứ vào những thông tin trong cuốn sổ ghi chép mang theo, ông tập trung tìm kiếm mộ liệt sĩ Hoàng Văn Trị, Kiều Xuân Tẩy, Nguyễn Quang Chinh và Nguyễn Phi Hùng - những người thân thiết với ông như anh em ruột thịt.

“Có lần, 5 anh em chúng tôi ngồi đọc thư cho nhau nghe dưới hầm, nhắc đến các đồng đội hy sinh khi cơm chưa kịp ăn, chúng tôi nảy ra quyết định mua một cái bát, một đôi đũa xới cơm cúng hương hồn chiến sĩ. Chúng tôi cũng hứa với nhau, khi chiến tranh kết thúc, ai may mắn sống sót thì mang chiếc bát, đôi đũa về báo tin cho gia đình để người thân được chạm vào kỷ vật. Thế rồi, 4 anh em hy sinh, chỉ mình tôi sống trở về” - ông Nguyễn Đức Phổ xúc động.

Hoàn thành lời hứa với nhóm 5 anh em, nhưng vẫn còn hàng trăm đồng đội khác nằm dưới lòng đất lạnh lẽo, khiến ông không thể thanh thản. Tri ân đồng đội, năm nào ông Nguyễn Đức Phổ cũng sắp xếp công việc gia đình, dành một vài tháng trở vào chiến trường xưa tìm mộ phần liệt sĩ. Trong hành trình hơn 20 năm tìm đồng đội, ông không thể nhớ hết những gian khó đã trải qua, song đặc điểm liên quan đến từng đồng đội, từng mộ phần ông đều nhớ rất rõ.

Ông kể, khi đào đất tìm hài cốt liệt sĩ Tề, nhát cuốc va phải lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn tóe lửa nhưng thật may mắn không phát nổ. Trường hợp khác là liệt sĩ Hoàng Văn Trị, thôn Áng Hạ, xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) bị trúng bom hy sinh, ai cũng nghĩ thân thể tan hết, rất khó tìm kiếm. Trong một lần lên đồi, nghe thấy trẻ chăn bò bảo “Phía kia có gì như nòng súng”, ông và những người cùng đi đến gần, nhìn thấy nòng súng và cửa hầm. Đào khu vực này lên thấy ngay xương cốt và các vật dụng của liệt sĩ Hoàng Văn Trị.

“Khi nhìn thấy hài cốt đồng đội, tôi nhận ra ngay đó là anh em thân thiết của mình. Vì anh Trị có đôi bàn chân rất khác lạ, với đôi dép cao su in hình bàn chân còn nguyên trong mộ, nên tôi không thể nhầm lẫn được” - ông Nguyễn Đức Phổ bồi hồi nhớ lại.

Hơn 20 năm đi tìm đồng đội, ông đã tìm thấy và giúp thân nhân liệt sĩ, chính quyền các địa phương đưa hơn 200 hài cốt liệt sĩ trở về quê cha, đất mẹ.

"Tôi còn tiếp tục hành trình..."

Từ kinh nghiệm đi tìm đồng đội, ông Nguyễn Đức Phổ khẳng định còn nhiều mộ liệt sĩ nằm rải rác trong các chiến trường, nhưng do thiếu thông tin nên không dễ tìm kiếm. Theo ông Nguyễn Đức Phổ, việc thử ADN xác định danh tính liệt sĩ là cần thiết, nhưng cũng có thể bổ sung thêm một số hình thức khác.

“Trên thực tế, nhiều chiến sĩ may mắn trở về như tôi luôn đau đáu nỗi niềm với đồng đội. Đã nhiều người hỏi tôi cách thức đi tìm đồng đội, song không phải ai cũng có điều kiện và các mối quan hệ để thực hiện. Cá nhân tôi thấy rằng, các chiến sĩ cùng vào sinh ra tử là người hiểu rõ thông tin về đồng đội, về đặc điểm của chiến trường xưa, vì vậy các cơ quan chức năng nên có hình thức hỗ trợ nào đó phù hợp để đồng đội đi tìm đồng đội” - ông Nguyễn Đức Phổ bày tỏ.

Dừng câu chuyện, đôi mắt ông rưng rưng. Ông lấy cho chúng tôi xem những kỷ vật chiến trường, những bức thư gửi đến nhờ ông tìm kiếm mộ phần, xác định thân nhân, nhưng ông chưa thể đi ngay do người bạn đời đang ốm nặng. Ông tự hứa với lòng mình, hết mùa mưa, ông sẽ tiếp tục hành trình tri ân đồng đội. “Tôi sẽ cố gắng giúp gia đình liệt sĩ Phương Năng Võ ở huyện Ba Vì xác minh lại thông tin, trước mắt là như vậy. Sau đó, tôi sẽ đi tìm, tìm thêm nhiều đồng đội nữa. Một lần tìm không thấy, nhiều lần đi sẽ thấy. Nhìn mắt thường không thấy, mở bản đồ sẽ thấy. Chừng nào còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục hành trình” - ông Nguyễn Đức Phổ chia sẻ.

Trong khuôn khổ một bài viết thật khó có thể chuyển tải hết những đóng góp, mong muốn, ước nguyện của ông. Chúng tôi mong rằng, thương binh Nguyễn Đức Phổ có sức khỏe thật tốt để ông tiếp tục hành trình, đưa đồng đội trở về!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành trình 20 năm đi tìm đồng đội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.