(HNM) - Nhiều thanh niên, sinh viên có kiến thức chuyên môn, năng động và muốn sớm trở thành những ông chủ, bà chủ, nhưng do thiếu kinh nghiệm, kinh doanh theo phong trào nên độ rủi ro lớn, dễ gặp thất bại.
Để họ có cái nhìn đúng đắn về khởi sự doanh nghiệp, rút ngắn con đường đến thành công là nội dung chính trong chương trình đào tạo trực tuyến về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp được hệ thống đoàn, hội tổ chức lần đầu tiên vào ngày 1-8 vừa qua.
Bắt đầu từ việc nhỏ nhất
Hàng nghìn thanh niên, sinh viên sẽ được đào tạo miễn phí về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp trên website thanhgiong.vn.
Tại lớp khai giảng khóa học đầu tiên, sự chia sẻ kinh nghiệm của anh Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Anh Quân đã thu hút học viên. "Cụ thể sức mình làm được gì? Nếu khả năng của mình làm được việc nhỏ thì bắt đầu từ cái nhỏ đấy. Ngay cả đi làm thuê, nhưng mình cũng phải xem cách họ làm như thế nào? Mô hình của họ ra sao? Tại sao họ làm chủ được mà mình đang phải làm thuê? - anh Quân chia sẻ với các bạn trẻ.
Kể về những ngày đầu khởi nghiệp, anh Quân cho biết: "Tôi biết kinh doanh từ rất sớm. Khi học cấp 2, tôi đã đi mua mì chính, quần áo từ cửa hàng mậu dịch rồi đem bán. Thời điểm đó bao cấp nên mua được những hàng ấy rất khó. Tôi còn trải qua những ngày đi bán kem đầy vất vả, nhưng cũng cho tôi nhiều kinh nghiệm áp dụng vào việc kinh doanh sau này. Học hết cấp 3, bạn bè vào đại học, tôi bỏ ngang. Quyết định bỏ học để làm kinh tế không làm tôi hối hận mà còn thấy đúng đắn. Tôi luôn nghĩ rằng, con người cần nhất là trí tuệ, phải tăng cường học hỏi, trang bị kiến thức cho mình. Không lúc nào là tôi không học cả. Các bạn học trong giáo trình được các giáo sư biên soạn, còn tôi học những gì mà tôi phải tự biên soạn lấy".
Anh Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư thế kỷ (CEN GROUP) khuyên các bạn trẻ rằng: Thanh niên làm gì cũng phải có mục đích, không nên theo trào lưu, không làm việc bị động, phải là người chủ động trong con đường lập nghiệp của mình. Mỗi người có con đường đi riêng, nhưng tôi thấy thất vọng nếu như các bạn trẻ ra trường chỉ cậy nhờ quen biết để cố vào cơ quan nhà nước, không có ý tưởng, tiêu chí cụ thể gì cho công việc, hướng phấn đấu của mình.
Cần lường trước rủi ro
Chương trình đào tạo trực tuyến khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp ra đời đáp ứng được nhu cầu của đông đảo thanh niên, sinh viên với mục tiêu cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi sự và điều hành, quản lý doanh nghiệp. Trang bị phông kiến thức chung, ý tưởng và các kỹ năng cần thiết xây dựng kế hoạch khởi sự doanh nghiệp sẽ thu hẹp khoảng cách giữa thanh niên và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong việc khởi sự doanh nghiệp, yếu tố rủi ro phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam cho biết: Dạy cho thanh niên chuẩn bị khởi nghiệp lường trước được phát sinh và rủi ro là điều được giảng viên quan tâm. Đây là chủ đề quan trọng, bởi nhiều bạn trẻ vừa bắt tay khởi nghiệp đã nghĩ ngay đến thành công, mà quên tính đếm đến rủi ro thì sẽ ra sao, phá sản hay cầm cự bao lâu… Vì vậy, thực tế có khoảng 50-60% thanh niên bị phá sản khi bắt đầu khởi nghiệp do không lường trước được yếu tố rủi ro và phát sinh này.
Giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, dạy thanh niên cách làm giàu là vấn đề được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Trước đây, có nhiều chương trình đào tạo về khởi nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn tổ chức theo cách đào tạo truyền thống là học tập trung và cấp chứng chỉ. Có nhiều thanh niên được hỗ trợ đào tạo xong đã trở thành chủ doanh nghiệp và trở lại giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên khác. Tuy nhiên, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Ban Điều hành Đề án 103 (Hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp) cho rằng, chỉ duy trì hình thức đào tạo truyền thống thì mục tiêu 100% thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp khó khăn. "Vì vậy, chúng tôi thấy có hình thức đào tạo phi truyền thống đó là đào tạo trực tuyến. Đây là hình thức phù hợp với nhu cầu của thanh niên hiện nay vì thời gian học dài hơn, lớp học mở hơn, học viên tiếp xúc với thầy cô, được thảo luận nhiều hơn..." - anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư TƯ Đoàn cho biết. Cũng theo anh Nguyễn Hoàng Hiệp, mục tiêu của chương trình đào tạo trực tuyến khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp đề ra đến năm 2015 sẽ đào tạo 10.000 thanh niên, nhưng nếu làm tốt đến năm 2012 sẽ đạt con số trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.