(HNM) - Những ngày vừa qua, trên trang cá nhân của Tổng Giám đốc Công ty Vietfootball Phạm Đức Tuấn (thường được biết đến với cái tên Tuấn Ramos) có câu
Các giải bóng đá phong trào luôn thu hút đông đảo người hâm mộ tới theo dõi và cổ vũ. |
Bốn năm trước, Tuấn Ramos và một số anh em yêu bóng đá "phủi" tại Hà Nội đã bắt tay thực hiện "ý tưởng điên rồ" là tổ chức Giải Bóng đá ngoại hạng Hà Nội (HPL) một cách quy củ, bài bản. Nói "điên rồ" là bởi bóng đá "phủi" có tiếng là khó kiểm soát, diễn biến trong mỗi trận đấu dễ "loạn", không chú ý thì "vỡ" giải như chơi.
Chẳng thế mà để tổ chức một giải đấu bóng đá phong trào, điều đầu tiên luôn được các nhà tổ chức nghĩ đến là bảo đảm an ninh trật tự. Nhưng, như chính Tuấn Ramos chia sẻ, chính sự hoài nghi về việc tổ chức một giải đấu bóng đá phong trào với hình thức như một giải đấu chuyên nghiệp, có cả đội xuống hạng, đã thôi thúc anh và những người bạn (trong đó có Dương Thanh Liêm - phóng viên tờ Thể thao 24h, Nguyễn Hoài Nam - nhân viên của CLB Bóng đá Hà Nội, trước đó có tên là Hà Nội ACB) quyết tâm khẳng định mình.
Cuối cùng thì "Tuấn Ramos và cộng sự" đã làm được điều tưởng như không thể. Với phương châm "chơi có ý thức, chơi để tận hưởng" và sự quy củ về tổ chức, sự thông thoáng về nhân sự (cầu thủ đang thi đấu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp cũng có thể dự giải) đã giúp giải đấu tạo tiếng vang, trở thành thương hiệu lớn trong làng bóng đá phong trào. Không chỉ có các đội bóng ở Hà Nội, các đội bóng từ tỉnh khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định cũng xin dự giải.
Số đội đăng ký ngày một đông khiến BTC phải tổ chức cả vòng sơ loại để chọn ra đội dự các vòng đấu chính thức trong khuôn khổ HPL. Số cao thủ ở sân chuyên nghiệp dự giải không phải là ít, trong đó có cả Thành Lương, Ngọc Duy, Quốc Long... Khán giả đến xem rất đông. Chẳng thế mà sau mùa đầu tiên tổ chức ở sân bóng của CLB Hà Nội tại Mỹ Đình, đến mùa giải thứ hai của HPL thì các trận đấu đã phải chuyển sang SVĐ bóng đá Công an nhân dân - khán đài rộng hơn, có sức chứa tới 5.000 người mà khán giả vẫn đến kín khán đài, nhiều khi tràn xuống cả đường chạy. Ước mơ ngày nào, là có hàng vạn khán giả đến xem HPL, hóa ra khá khiêm tốn so với thực tế.
Hiện tại, nhiều nhà tài trợ đã tìm đến, đề nghị hợp tác với bóng đá phong trào Hà Nội. Cũng vì nhu cầu tham gia sân chơi này quá đông mà đến mùa này, Vietfootball đã phải tổ chức một sân chơi nữa, lấy tên là Giải Bóng đá phong trào hạng nhất Hà Nội - Cúp Bia Saigon Special lần thứ nhất (khai mạc ngày 24-4). Giải đấu này liên hệ chặt chẽ với Giải Bóng đá ngoại hạng Hà Nội khi hai đội đứng đầu Giải hạng nhất sẽ giành quyền lên thi đấu ở Giải ngoại hạng; hai đội xếp cuối Giải ngoại hạng sẽ xuống thi đấu ở Giải hạng nhất trong mùa bóng sau.
Hình hài của một hệ thống thi đấu bóng đá phong trào đã thành hiện thực. Tất cả bắt nguồn từ sự "điên rồ" đáng trân trọng của những người dám mơ ước, dám bỏ công sức và tiền của ra để thực hiện ước mơ. Giờ đây, những "người điên" ấy đang hạnh phúc với việc đã và đang làm cho cộng đồng bóng đá phong trào Hà Nội cũng như cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.