Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạnh phúc khi thấy học trò giỏi hơn mình…

Khánh Vũ| 13/06/2014 04:58

(HNM) - Tuy đã ra đi mãi mãi gần 3 thập kỷ trước, Thiếu tướng, GS, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Doãn vẫn để lại trong tâm trí của tất cả những người có cơ hội ở bên cạnh ông những ấn tượng tốt đẹp về một nhà khoa học uyên bác, một thầy thuốc chân chính, một nhân cách cao đẹp.


Vào ngày 17-6-2014, các đồng nghiệp, học trò và gia đình của ông, với sự chủ trì của Trường ĐH Y Hà Nội, cùng nhau kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông với tình cảm trân trọng hết mực.

GS Nguyễn Ngọc Doãn (người đứng thứ 3 từ phải sang) tại Chiến khu Việt Bắc.


Sinh trưởng trong một gia đình trí thức Hà Nội, GS Nguyễn Ngọc Doãn bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu, trị bệnh cứu người từ năm 1933, khi bước chân vào Trường ĐH Y Hà Nội. Chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Doãn luôn đạt loại ưu trong những kỳ thi chọn sinh viên ngoại trú các bệnh viện. Sau khi tốt nghiệp với tư cách bác sĩ ở độ tuổi trẻ nhất thời bấy giờ, ông làm việc một năm ở Bệnh viện quân y Pháp Đồn Thủy với nhiều trọng vọng rồi ra ngoài mở phòng khám tư (nay là trụ sở của Sở Y tế Hà Nội). Nhiều người dân lúc bấy giờ luôn nhớ về một ông "đốc - tờ Doãn" chữa bệnh rất "mát tay" với thái độ ân cần, giản dị.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông từ bỏ cuộc sống nhung lụa để đi theo kháng chiến, tình nguyện tham gia Ban Y tế Vệ quốc đoàn. Ông giữ nhiều trọng trách trong ngành quân y, từ Viện trưởng Viện quân y Yên Bái, Trưởng ban quân y Tây Tiến... Ông từng khoác ba lô đi khắp các mặt trận Tây Bắc, Sông Thao, Sơn La, Nghĩa Lộ... Trong 9 năm kháng chiến, ông đã sử dụng thảo dược ở rừng núi Việt Bắc để điều chế các loại thuốc kháng sinh chống sốt rét, điều trị các bệnh về nội khoa cho quân đội và nhân dân. Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, ông lại cùng các đồng nghiệp bắt tay vào xây dựng ngành quân y cách mạng Việt Nam. Ông được cử làm Tổng Chủ nhiệm hệ nội khoa Viện quân y 108, rồi làm Phó Viện trưởng kiêm Chủ nhiệm hệ nội khoa của Cục quân y. Ông tham gia lên lớp tại Trường ĐH Y Hà Nội với các bài giảng về nội khoa, lại vừa làm chủ nhiệm bộ môn Dược lý của nhà trường.

Là một nhà khoa học có kiến thức sâu rộng kết hợp với thực tiễn phong phú, GS Nguyễn Ngọc Doãn đã cùng các cộng sự và học trò nghiên cứu nhiều công trình khoa học cơ sở và lâm sàng có giá trị, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền y học nước nhà. Ông có hơn 70 đề tài công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, là tác giả của 12 cuốn sách chuyên ngành nay đã trở thành kinh điển về: Bệnh tim mạch và tăng huyết áp (1965), Bệnh gan mật (1968), Dược lý học (1969), Một số vấn đề hiện nay trong bệnh học tiêu hóa (1974 ), Dược luật học (1979)… Nhận thức được tính ưu việt và sự đúng đắn trong việc kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, qua nhiều năm nghiên cứu lý học, ông đã có nhiều công trình khảo sát về các cây thuốc Việt Nam như cây xương bồ, cây sui, cây cỏ xước... Cùng với các nhà khoa học khác, ông còn tham gia xây dựng bộ Dược điển Việt Nam, một bộ sách có giá trị khoa học cao.

Trong khám chữa bệnh, mặc dù là bác sĩ nội khoa song trong những ngày kháng chiến chống Pháp, ông đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của một người thầy thuốc ngoại khoa ở chiến trường. Còn trong lĩnh vực nội khoa, ông là một trong những chuyên gia xuất sắc nhất. Cho tới tận bây giờ, các học trò và bệnh nhân vẫn khâm phục "giác quan lâm sàng" nhạy bén của ông. Không hề cứng nhắc trong tư duy nên nhiều khi ông đưa ra những chẩn đoán bất ngờ và chính xác. Một bác sĩ, học trò của ông tại Bệnh viện 108 kể lại: Dường như ít có căn bệnh oái oăm nào có thể qua mắt GS Doãn. Ở bệnh viện, mỗi khi có trường hợp nào phức tạp, khó chẩn đoán, chúng tôi đều nhờ thầy chỉ dẫn để thoát khỏi bế tắc.

Được "yêu vì nết, trọng vì tài", GS Nguyễn Ngọc Doãn đã in đậm dấu ấn trong tâm trí của những người xung quanh với hình ảnh một nhà khoa học giản dị, trong sáng, không toan tính cá nhân, hết lòng với học trò và bệnh nhân. Người dân ở phố Hàng Bông, nơi ông sinh sống, rất quen với hình ảnh vị giáo sư ngày ngày đi làm về trên chiếc xe đạp cũ, phía sau chở mớ rau, khi thì cân gạo, thùng dầu. Các con ông không thể quên người cha thường dậy từ rất sớm, nhận việc vo gạo, nấu cơm cho cả nhà, sáng sáng bê nồi cơm đi thật nhẹ xuống thang gác mà không bật đèn để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của các con. Các công trình nghiên cứu, sách xuất bản, ông chỉ để ở nơi làm việc mà không có ý thức phải thu thập, cất giữ để thống kê đóng góp của mình. Năm 1987, trước khi qua đời, ngay cả lúc nằm trên giường bệnh, GS Nguyễn Ngọc Doãn vẫn sẵn lòng giải đáp thắc mắc về chuyên môn của sinh viên tới thăm ông. Khiêm tốn và ít nói về mình, đó là nét tính cách mà nhiều người nhớ đến GS Nguyễn Ngọc Doãn, ông từng nói: "Niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất của người thầy là được thấy học trò giỏi hơn mình".

Suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà, GS Nguyễn Ngọc Doãn đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất... Năm 1985, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc khi thấy học trò giỏi hơn mình…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.