(HNM) - “Nhìn những gương mặt phấn chấn của nhiều hành khách lần đầu được trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước, chúng tôi rất hạnh phúc. Khi đoàn tàu đầu tiên lăn bánh sau bao tháng ngày chờ đợi, mỗi cán bộ, công nhân viên đều cảm thấy rất tự hào”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường, đại diện đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chia sẻ. Có thể nói, gửi theo mỗi chuyến tàu là hạnh phúc của cán bộ, công nhân viên Hanoi Metro và nhiều người dân Thủ đô.
Những người lái tàu tiên phong
Chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông vừa dừng tại Ga Cát Linh, lái tàu Lê Hoài Hanh (sinh năm 1990) trong bộ trang phục áo trắng, bên ngoài là chiếc vest màu xanh than đậm, đội mũ kê pi mở cánh cửa để xuống ke ga. Nhìn dòng người bước xuống tàu, anh Hanh cảm thấy vui mừng và vinh dự là một trong những người đầu tiên cầm lái đoàn tàu chở hành khách trải nghiệm suốt dọc hành trình 12 nhà ga của một loại hình vận tải công cộng mới - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô.
“Cơ duyên nào đưa Hanh đến với dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước?”. Khi chúng tôi hỏi, anh Hanh cười vui trả lời: "Năm 2014, đọc thông tin tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã ứng tuyển và được chọn, trở thành lứa 37 nhân sự đầu tiên được Hanoi Metro cử sang Bắc Kinh (Trung Quốc) để đào tạo lái tàu trong vòng 1 năm. Chỉ mới học lớp sơ cấp tiếng Trung Quốc, nên thời gian đầu mới sang (tháng 11-2014), việc sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Dần dần, anh em cũng đủ khả năng giao tiếp”.
Được đào tạo trong 1 năm, các học viên đều phải trải qua những giờ học lý thuyết và thực hành rất vất vả. Mỗi môn học lý thuyết đại cương chung về cách thức vận hành đường sắt đô thị, nghiệp vụ lái tàu, các tiêu chuẩn, quy định an toàn… cho đến thực hành lái tàu khi kết thúc đều phải trải qua các kỳ sát hạch khắt khe. “Trước mỗi kỳ sát hạch lý thuyết, các phòng trong ký túc xá thường sáng đèn cả đêm bởi khối lượng kiến thức rất nhiều. Tuy nhiên, các học viên đều hoàn thành tốt bài thi, được cấp chứng chỉ”, anh Hanh chia sẻ.
Cũng theo anh Hanh, anh em lái tàu của Hanoi Metro giờ đây đều đã đủ tự tin, sẵn sàng điều khiển đoàn tàu đường sắt đô thị hiện đại. Bởi trước khi về nước, các nhân sự đã phải trải qua nhiều giờ phụ lái rồi trực tiếp lái tàu chở khách trên tuyến đường sắt đô thị dài 20km của Bắc Kinh với sự hướng dẫn, giám sát của giảng viên Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, các học viên được cấp chứng chỉ, đủ điều kiện đảm nhận công việc lái tàu của tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Trong khi đó, khi đang là phụ lái tàu trên các tuyến đường sắt quốc gia của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với 30.000km an toàn, lái tàu Mai Văn Hùng (sinh năm 1986) xin nghỉ việc để chuyển sang học lái tàu đường sắt đô thị. Lúc ấy, gia đình phản đối vì thu nhập đang ổn định, nhưng vì muốn tìm kiếm sự trải nghiệm mới nên anh Hùng nhất quyết chuyển nghề.
Khác với lứa 37 nhân sự đầu tiên được đào tạo tại Trung Quốc, anh Hùng cùng 15 đồng nghiệp lái tàu lứa sau được Hanoi Metro mời chuyên gia của thành phố Bắc Kinh sang và đào tạo ở Trường Cao đẳng nghề Đường sắt tại Hà Nội. Vốn có thâm niên lái tàu hỏa, anh học hỏi và hòa nhập nhanh chóng. “Khi điều khiển tàu metro, tôi cảm thấy thích thú hơn vì gia tốc nhanh hơn nhiều so với đường sắt quốc gia. Trong quá trình sát hạch, khó nhất là điều chỉnh tốc độ, dừng đỗ đúng vị trí, êm nhẹ để không gây khó chịu cho hành khách. Thời gian biểu đồ chạy tàu chính xác tính toán từng giây để không ảnh hưởng tới biểu đồ chung của toàn tuyến. Vì thế, được lái tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tôi rất vui sướng và vinh dự”, anh Hùng phấn khởi nói.
Tin tưởng vào sự phát triển của đường sắt đô thị, vợ của anh Mai Văn Hùng cũng ứng tuyển và trở thành nhân viên của Hanoi Metro, đảm nhiệm vận hành tuyến ở khu vực ke ga Cát Linh.
Góp sức xây dựng Thủ đô
Để có được niềm vui vỡ òa trong ngày 6-11, ngày đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức lăn bánh, vận hành thương mại, hơn 700 cán bộ, công nhân viên của Hanoi Metro đã phải trải qua những tháng ngày dài chờ đợi trong thấp thỏm khi tàu cứ nằm mãi trong khu depot, các nhà ga thì đóng cửa im lìm. Phần lớn lái tàu, nhân viên phục vụ nhà ga trong thời gian chờ đợi dự án đi vào hoạt động đã phải lăn lộn mưu sinh bằng nhiều nghề khác. Một số người không đủ kiên nhẫn đã bỏ dở giữa chừng.
Trong những ngày đầu hoạt động của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhiều bạn trẻ đã đăng lên các mạng xã hội: Facebook, Zalo những bộ ảnh rất đẹp về trải nghiệm trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Có một bộ ảnh cưới được đôi bạn trẻ chụp trên tàu và dưới ga đã gây “bão mạng” với hàng chục nghìn lượt yêu thích, bình luận. Nhiều người cao tuổi dắt theo cháu nội, cháu ngoại đi trải nghiệm, ngắm nhìn thành phố từ trên cao qua những ô cửa sổ toa tàu trong sự thích thú… Đây là hạnh phúc không thể đo đếm với các cán bộ, công nhân viên Hanoi Metro. Trong đó, không chỉ của những lái tàu như: Lê Hoài Hanh, Mai Văn Hùng… mà còn của rất nhiều nhân viên hướng dẫn an toàn dưới ke ga, nhân viên bán vé, nhân viên kỹ thuật trong khu depot, nơi các chuyến tàu về tập kết và được kiểm tra các thông số an toàn trước khi lăn bánh cho một hành trình mới…
Trưởng bộ phận depot Nguyễn Văn Hưng - người đã có nhiều năm gắn bó với hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô trước khi chuyển sang “đầu quân” cho Hanoi Metro cười vui: “Tàu mở tuyến từ 5h30 và đóng tuyến lúc 22h30 (sau này sẽ kéo dài đến 23h để phục vụ nhân dân), mỗi ngày trên dưới 140 chuyến tàu hoạt động ngược xuôi qua 12 ga. Chúng tôi chỉ đứng sau “cánh gà” nhưng mỗi chuyến tàu rời depot rồi lại trở về depot an toàn cũng mang đến nhiều cảm xúc ấm áp”.
Qua tuần đầu tiên khai thác thương mại, sau những khó khăn ban đầu, dự án dần đi vào ổn định, được nhân dân tin tưởng nhiều hơn. Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường không giấu được sự tự hào, vì các cán bộ, công nhân của Hanoi Metro đều yêu thành phố này, yêu những đoàn tàu này. Màu xanh những toa tàu là màu của hòa bình, của sự dung dị, nhưng xứng đáng được tin tưởng. Và tập thể Hanoi Metro đang nỗ lực hết sức để góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trước khi chia tay, ông Trường mở máy tính, bật bài hát có tên “Metro - Đoàn tàu mùa xuân” do chính ông viết nhạc và lời. “Đoàn tàu mùa xuân, nhịp nhàng đi trên phố. Một màu xanh, rạng rỡ đến vô cùng. Mỗi ga qua như một vườn hoa nở, chở niềm tin và ước mơ xanh... Từ trên cao ngắm nhìn thành phố, Hà Nội đẹp tươi, rạng rỡ đất Thăng Long. Metro ơi, tình yêu ta đó, nối những chặng đường, nâng bước ta qua…”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.