Do điều kiện lịch sử - xã hội nước ta vào nửa đầu thế kỷ XX, với quá trình giao lưu văn hóa Đông Tây - mà rõ nhất là Việt - Pháp - trào lưu tân nhạc (cũng gọi là nhạc cải cách hoặc nhạc mới) ra đời mà khởi đầu là một hành khúc mang nội dung cách mạng: Cùng nhau đi Hồng binh do Đinh Nhu sáng tác năm 1930.
Hành khúc "Mười chín tháng Tám" được trình diễn trong chương trình "Khúc quân hành xuyên thế kỷ" Ảnh: Trung Kiên
Như vậy, Cùng nhau đi Hồng binh không chỉ là mốc khởi đầu của trào lưu tân nhạc mà còn là nhát cuốc khơi dòng chảy của một tiến trình hành khúc Việt ngày càng mang bản sắc văn hóa Việt - một tiến trình và cũng là một diễn trình, hành khúc Việt đồng hành với lịch sử đất nước với một khoảng thời gian 75 năm. Trên quãng đường ba phần tư thế kỷ ấy, hành khúc - một loại thể âm nhạc bắt nguồn và chịu ảnh hưởng của phương Tây - không những đã trở thành vũ khí chiến đấu của những người lính mà còn là tiếng kèn xung trận của toàn thể dân tộc Việt Nam trong cuộc trường chinh 45 năm giành chính quyền và bảo vệ chủ quyền độc lập của đất nước. Chức năng xã hội của nghệ thuật âm nhạc nói chung, và loại thể hành khúc nói riêng, rất xứng đáng được ghi công và trân trọng.
Hành khúc Việt, cho đến nay, nhìn lại, không phải “nhất thành” là “bất biến” ! Đấy là một tiến trình với sự đóng góp đầy sáng tạo và đúng đắn của không biết bao nhiêu nhạc sĩ.
Trước hết, đó là nội dung tư tưởng, tình cảm được biểu hiện trong các tác phẩm. Hành khúc thường được hiểu là mang tính chất hiệu triệu, hô hào, cổ vũ, động viên... bộc lộ ý chí, quyết tâm... trong đấu tranh. Điều đó được minh chứng khá rõ ràng trong hành khúc những ngày Tiền khởi nghĩa và đầu Cách mạng. Bên cạnh những bài hát hừng hực khí thế như Du kích ca (Đỗ Nhuận), Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái), Tiến quân ca (Văn Cao), Cờ Việt Minh (Vương Gia Khương), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi)... nổi bật lên những hành khúc rực lửa của Lưu Hữu Phước: Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Xếp bút nghiên...
Hòa chung với những hành khúc cách mạng là những hành khúc của Hoàng Quí xuất hiện cùng với phong trào Hướng đạo sinh, thường được gọi là Hùng ca yêu nước.
Ta còn bắt gặp tính chất hô hào, hiệu triệu đó trong rất nhiều hành khúc ra đời vào những ngày đầu Cách mạng và Kháng chiến chống thực dân Pháp: Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Mười chín tháng Tám (Xuân Oanh), Giải phóng quân (Sau này là Đoàn Vệ quốc quân - Phan Huỳnh Điểu), Cảm tử quân (Hoàng Quí), Nam bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn)...
Có thể thấy, những hành khúc vào những năm tháng đó, đều mang và thuộc dạng thức hướng ngoại (kêu gọi đồng tình và hưởng ứng...). Những từ nào, này, hãy, tiến lên... thường xuất hiện, cùng với những câu ca từ theo thể mệnh lệnh... dường như, theo cú pháp, thì cuối câu phải thêm những dấu chấm than. Nhưng rồi trải qua những năm tháng thử lửa trong kháng chiến, như một lò luyện gang, các nhạc sĩ - tác giả đã hòa mình và trở thành những thành viên kháng chiến đích thực, hành khúc ngày càng sâu lắng hơn - như là những nỗi niềm của chính trái tim người lính: Đường lên Tây Bắc (Vân An), Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính), Vì nhân dân quên mình (Doãn Quang Khải), Về đồng bằng (Nguyễn An)... và rõ ràng nhất là Hành quân xa của Đỗ Nhuận. Với Hành quân xa, một dạng thức hành khúc hướng nội xuất hiện, để rồi sau đó, được tiếp nối và phát huy trong Tiến bước dưới quân kỳ của Doãn Nho.
Xu hướng hướng nội đã tạo đà cho hành khúc mang yếu tố trữ tình ngày càng đậm nét, nhất là trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một nhạc sĩ nổi tiếng, với những hành khúc nổi tiếng: Lưu Hữu Phước (giai đoạn Tiền khởi nghĩa), cũng đã có sự “chuyển giọng” trong các tác phẩm của mình như Giải phóng miền Nam, Giờ hành động, Hành khúc giải phóng, Sẵn sàng chiến đấu, Bài hát Giải phóng quân... Xu hướng hướng nội - trữ tình này đã được kết đọng trong một nhạc phẩm của Trần Chung (Lời thơ: Gia Dũng): Bài ca Trường Sơn và thăng hoa trong Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu (Lời thơ: Bùi Công Minh). Với đoạn mở đầu mang tính chất ngâm ngợi tự do, với ca từ của tác phẩm như một bài thơ tình, tác giả đã tạo nên một dạng thức mới: hành khúc - tình ca.
Hành khúc (của người lính) mà lại trữ tình ư ? Tưởng như một nghịch lý, nhưng đấy mới biểu hiện được truyền thống mang đạo lýViệt Nam: lòng yêu thương, nhân ái. Có yêu thương mới biết căm thù và chiến đấu - chiến đấu để bảo vệ cái mà mình yêu thương.
Thứ đến, ngôn ngữ âm nhạc trong hành khúc ngày càng mang âm hưởng Việt Nam. Nếu như nghe những hành khúc thời Tiến khởi nghĩa và đầu Kháng chiến chống thực dân Pháp, dường như công chúng chưa hình dung được rõ nét đây là “Bộ đội Cụ Hồ”, chiến sĩ Việt Nam - xét riêng về mặt âm nhạc (tạm không nói đến ca từ). Con đường của nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, vẫn là một diễn trình, và cũng là một tiến trình. Với Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành, với những cung quãng, với mạch đi của giai điệu, ta bắt đầu thấy thấp thoáng hiện lên người chiến sĩ Việt Nam; và phải đến Hành quân xa của Đỗ Nhuận, thì rõ ràng đây là người nông dân Việt Nam mặc áo lính chiến Việt Nam đang trên đường ra trận. Âm hưởng các làn điệu dân ca vùng châu thổ sông Hồng và Thanh Hóa giúp ta khẳng định điều đó.
Tiếp theo, trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, không cần việnnhờ đến ca từ, chỉ nghe thanh âm, giai điệu của Chào em cô gái Lam Hồng (ánh Dương), thì ai cũng nhận ra người lính lái xe vốn quê, hoặc đang lăn xe trên đường đất xứ Nghệ. Rồi lại nghe Chưa hết giặc ta chưa về - một hành khúc “đích thực” về loại thể của Huy Du - suy ngẫm thêm trong giây lát, và thật bất ngờ: nét nhạc trong câu đầu mang tính cách như là chủ đề âm nhạc (Nghe mênh mông tiếng Bác Hồ dậy non sông) lại là bắt nguồn từ một làn điệu hát ru của vùng đồng bằng Bắc bộ.
Ngay cả cách cấu tứ và tạo dựng hình tượng âm nhạc (cùng ca từ) cũng theo mạch cảm xúc của phương thức tự sự (kể chuyện, kể việc... theo dạng “có đầu có đuôi”...) - một phương thức thường gặp trong các truyện cổ dân gian. Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn được mở đầu bằng câu (như là kể): Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời, lời hoan hô dân quân Nam tiến lên trận tiền... Sau đấy, ngót mười năm, Đỗ Nhuận lại viết Trên đồi Him Lam cũng theo dạng đó: Hôm qua đánh trận Điện Biên/ Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào/... Hôm nay thắng trận đầu tiên/ Xác thù ngã xuống, đồi Him Lam ta cắm cờ... Đây là một dạng tư duy sáng tác mang tính truyền thống của văn hóa âm nhạc Việt Nam.
Dương Viết Á (Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.