(HNM) - Những thông tin dồn dập, nóng hổi, những việc làm hướng tới
Ông Nguyễn Sỹ Thúy, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thành phố Hà Nội: Nhiều chương trình, hành động kỷ niệm "50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam"
Ngay từ đầu năm 2011, chúng tôi đã vạch ra nhiều chương trình, hành động cho dịp kỷ niệm "50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam" và đến nay đã thực hiện thành công nhiều hoạt động như đánh giá hoạt động của các cấp hội từ ngày thành lập (tháng 12- 2004) đến nay, thăm hỏi hàng ngàn gia đình nạn nhân và tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho 10.000 nạn nhân CĐDC… Cũng trong dịp này, hội đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ hội 1,5 tỷ đồng để làm công tác từ thiện... Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các bộ hồ sơ làm căn cứ cho phiên tòa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân CĐDC… Chúng tôi tin tưởng rằng, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các tầng lớp nhân dân sẽ hiểu hơn hoạt động của hội, hiểu hơn cuộc sống của các nạn nhân, từ đó sẽ có cách ứng xử nhân văn và nhiều hành động góp phần bảo vệ công lý.
Ông Trương Hán Phu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội: Hoạt động của các hội cần thiết thực hơn
Chúng tôi đã kêu gọi những tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái giúp đỡ những mảnh đời đang phải chịu "nỗi đau da cam". Vừa qua, chúng tôi đã huy động hơn 600 người tham gia đồng hành, đi bộ để ủng hộ nạn nhân CĐDC, tặng quà, học bổng cho một số nạn nhân… Bằng những hành động đó, chúng tôi muốn nhắn gửi với cộng đồng để cùng quan tâm, sẻ chia cùng họ những mất mát. Hiện nay, bên cạnh hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin cũng có nhiều việc làm thiết thực cho các nạn nhân. Tôi cho rằng quỹ của hai hội phải được kiện toàn và có sự thống nhất, phân công trách nhiệm thì hoạt động mới mang lại hiệu quả cao.
Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng, Văn phòng Luật sư Thắng: Lẽ phải thuộc về các nạn nhân
Những nạn nhân CĐDC không phải chỉ ở Việt Nam mới phải hứng chịu mất mát, mà ngay cả với những cựu binh Mỹ và nhiều người ở những quốc gia khác cũng phải chịu chung nỗi đau này. Cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, quốc tế và có ảnh hưởng đến nhân dân Mỹ. Trong "Lời kêu gọi của Hội nghị Quốc tế nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam lần thứ II" đã viết "Một nửa thế kỷ đã là quá lâu để chờ đợi cho công lý được thực thi… Chúng ta hãy cùng nhau bảo đảm rằng công lý đang bị trì hoãn sẽ không thành công lý bị chối từ!". Tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác sẵn sàng ủng hộ cho cuộc đấu tranh này vì tôi tin lẽ phải sẽ thuộc về các nạn nhân của đất nước chúng ta.
Van.vuquoc@yahoo.com: Là người trong cuộc, tôi càng thấu hiểu hơn...
Tôi là con của một người bị nhiễm chất độc hóa học nhưng gia đình tôi đã may mắn hơn nhiều gia đình khác khi anh em tôi được sinh ra vẫn lành lặn, khỏe mạnh tuy rằng chúng tôi vẫn bị một số bệnh ngoài da. Khi nhìn thấy những hình ảnh về các nạn nhân CĐDC, không ít lần cha mẹ tôi đã sụt sùi khóc vì thương cảm cho hoàn cảnh của họ và vì thấy mình vẫn được hưởng hạnh phúc khá trọn vẹn… Cha tôi đã tham gia cuộc đồng hành đi bộ vừa qua để hướng đến những người đã phải chịu thiệt thòi, mất mát và mong muốn được chia sẻ một phần với họ. Là người trong cuộc, tôi càng thấu hiểu hơn những gì các nạn nhân đã phải gánh chịu. Tôi hy vọng rằng mỗi người dân Việt Nam hãy dành những tình cảm tốt đẹp cho các nạn nhân CĐDC một cách thường xuyên, hãy trân trọng và cảm thông với những gì họ đang phải gánh chịu trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Doãn Tuyến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Hồng Phúc (xã An Khánh, huyện Hoài Đức): Chia sẻ bao nhiêu cũng chưa đủ
Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song tôi vẫn cố gắng dành một phần kinh phí để làm từ thiện. Từ năm 2010 đến nay, tôi đã ủng hộ các cấp hội hơn 200 triệu đồng và tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người… Tôi đã nhiều lần chứng kiến sự khổ tâm, đớn đau đến tận cùng về tinh thần cũng như thể xác của những người là nạn nhân CĐDC, nhất là khi phần lớn họ đều có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn… Họ là những người có nỗi khổ khôn cùng, vì thế chúng ta có chia sẻ bao nhiêu cũng không đủ bù đắp lại những gì họ đã chịu đựng. Tôi hy vọng, sự đóng góp bé nhỏ của mình sẽ giúp họ bớt đi một phần những cực nhọc trong cuộc sống thường ngày và nhân lên được nhiều điều tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.