Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại: Chiến lược nào cho tương lai?

L.H| 18/09/2012 22:04

(HNMO) – Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, sau 3 năm phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỷ trọng hàng Việt được tiêu thụ đã tăng lên rõ rệt. Nếu trước đây, 77% người tiêu dùng được hỏi ưa thích dùng hàng nước ngoài thì hiện nay 71% người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng hàng Việt Nam.

Tỷ trọng hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại đã tăng rõ rệt, chiếm từ 70% - 90% lượng hàng hóa kinh doanh của kênh này. Cá biệt, tại hệ thống của Vinatexmart, hàng Việt chiếm 100%; các siêu thị như Co.op hay Big C, hàng Việt cũng chiếm tới 95%. Tại hệ thống bán lẻ của Hapro, tỷ trọng hàng hóa có xuất xứ nội địa cũng chiếm từ 60% đến 80%.

Bên cạnh đó, Hapro cũng đã đưa được hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp thông qua các phiên chợ Việt, phiên chợ bán hàng lưu động. Điều này một mặt vừa đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, mặt khác cũng giúp người tiêu dùng, đặc biệt là nông dân, công nhân được sử dụng các sản phẩm Việt có chất lượng, giá cả hợp lý.

Hiện tại, kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20% thị trường bán lẻ, nhưng tiềm năng rất lớn khi dự kiến đến năm 2020 sẽ chiếm 40% thị trường bán lẻ cả nước. Do đó, nếu tận dụng được điều này, hàng Việt sẽ chiếm được ưu thế, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Hàng Việt Nam đang dần chiếm tỷ trọng cao trong đời sống tiêu dùng, đặc biệt tại các vùng nông thôn khu vực ngoại thành, người dân đã bắt đầu quen và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Các nhóm hàng nội địa được người tiêu dùng quan tâm và cũng được hệ thống phân phối bán lẻ cân nhắc đưa vào nhóm hàng kinh doanh của mình như: hàng dệt may, quần áo, giầy dép, hàng thực phẩm, rau củ, các sản phẩm đồ gia dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập cho trẻ em… Hàng loạt các thương hiệu Việt đã được xây dựng như: Việt Tiến, May 10, Kinh Đô, Tràng An, Đức Việt… Tuy nhiên, thị trường hàng Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập vào hệ thống bán lẻ hiện đại.


Hàng Việt đã bị hàng nhập khẩu kém chất lượng làm nhái

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: tỷ lệ thương mại hiện đại so với truyền thống ở nước ta còn thấp. mặc dù các doanh nghiệp đã chú trọng đến phát triển bán lẻ hiện đại song những khó khăn về vốn, mặt bằng và cơ chế đã làm chậm tiến độ. Trong khi đó, thiếu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại. Nếu các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có nhiều lợi thế, các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều hạn chế: quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng chiếm lĩnh thị trường thấp, ít kinh nghiệm…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng nhận xét: việc đưa hàng Việt vào trong hệ thống bán lẻ hiện đại còn gặp nhiều khó khăn khi hệ thống bán lẻ hiện đại phân bố chưa đồng đều. 80% hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, việc tiếp cận thị trường nông thôn còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp nếu muốn mở rộng quy mô thường gặp phải vấn đề: quỹ đất ở nội thành hạn hẹp nên chi phí thuê mặt bằng cao, trong khi đó, quỹ đất ngoại thành còn trống nhiều những sức mua lại hạn chế, vị trí thương mại thấp nên nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư.

Ngoài ra, hiện nay khi người tiêu dùng bắt đầu tin dùng đối với các sản phẩm hàng Việt Nam trên thị trường xuất hiện tình trạng hàng hóa nhập khẩu có chất lượng kém bày bán dưới nhãn mác hàng Việt Nam để lừa gạt người tiêu dùng khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin đối với sản phẩm trong nước, đồng thời ảnh hưởng đến thương hiệu của các doanh nghiệp. Đối với những trường hợp như trên cần có biện pháp xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Chiến lược nào cho tương lai của hàng Việt?

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Trả lời được câu hỏi “Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại: Chiến lược nào cho tương lai?”, chính là tìm được một hướng đi đúng cho hàng Việt.

Bà Loan cho rằng phải đi từ gốc của vấn đề: cần có sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả hợp lý cho từng phân khúc thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc sử dụng “kinh tế hình ảnh” và có sự lựa chọn ưu tiên: ưu tiên sử dụng hàng Việt nhưng không đồng nghĩa với bất kỳ sản phẩm Việt nào.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Hạnh – TGĐ Sài Gòn Co.op cũng nêu lên kinh nghiệm thực tế là ngoài nâng cao chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm hợp lý, các nhà sản xuất cũng cần cập nhật và đầu tư công nghệ mới để có những sản phẩm có tính năng vượt trội, đón đầu xu thế tiêu dùng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, để nâng cao được tỷ lệ hàng Việt trong kênh phân phối hiện đại Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị các Bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, trong đó có Vụ Thị trường trong nước cần có sự phối hợp để nâng cao chất lượng các sản phẩm trong nước với giá cả cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để sản phẩm và hình ảnh đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.

Mặt khác, Cục Xúc tiến thương mại cần phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh để phát triển hệ thống phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến hệ thống bán lẻ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ nông nghiệp. Cục Quản lý thị trường cần tăng cường kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Các doanh nghiệp cũng cần thực hiện đúng cam kết của mình…

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò của mình sẽ có sự phối hợp với các doanh nghiệp để có những kênh tiếp cận hiệu quả, chi phí thấp đến người tiêu dùng. Các Hiệp hội cũng đóng vai trò quan trọng, là đầu mối trong công tác này.

Những thông tin trên được nêu ra tại buổi Hội thảo “Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại: Cần một chiến lược lâu dài” do Ban chỉ đạo Chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động của Bộ Công thương phối hợp với Ban Thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại: Chiến lược nào cho tương lai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.