Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Việt tiếp tục khẳng định chỗ đứng

Thanh Hiền| 26/09/2021 07:34

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng hóa Việt đã góp phần ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm chống dịch. Đồng thời, thị trường trong nước cũng chính là “bệ đỡ” để các doanh nghiệp Việt tiếp tục khẳng định được chỗ đứng, mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt tiếp cận thị trường mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) kết nối với các nhà sản xuất trong nước đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Gần 70% người Việt Nam ưa chuộng hàng nội

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ 60-80% trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hệ thống bán lẻ hàng Việt hiện đại đang mở rộng nhanh chóng; gần 70% người Việt Nam vẫn ưa chuộng, ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành phố khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối nội địa, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng. Các cửa hàng, siêu thị đã liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, cung ứng nguồn hàng đầy đủ và cam kết mức giá ổn định. Việc ưu tiên các doanh nghiệp Việt trong chính sách mua hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng chất lượng cao đã tạo động lực giúp doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất.

Nhờ đó, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các mặt hàng sản xuất trong nước không có biến động nhiều về giá, hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả. Ngay cả trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, vẫn có nhiều sản phẩm mới chinh phục thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản mùa dịch.

Chị Trần Thanh Thủy (ngõ 15 phố Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Hàng Việt Nam có chất lượng, mẫu mã ngày càng tốt hơn, đẹp hơn, giá cả hợp lý, có hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên không chỉ tôi mà ngày càng có nhiều người thân, bạn bè quan tâm, lựa chọn. Nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tôi thường đặt mua các mặt hàng thiết yếu và rất chú trọng đến các sản phẩm hàng Việt như mỳ tôm, gạo, miến... do các doanh nghiệp trong nước sản xuất”.

Tăng thị phần và vị thế

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tuyên truyền người dân không hoang mang, không tích trữ hàng hóa. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ... và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng ở nhiều cấp độ. Sở cũng hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Qua đó, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển mạng lưới phân phối, kích cầu hàng nội địa.

Để khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt tiếp cận thị trường mới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã.    

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và hợp tác với doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp bán lẻ “bắt tay” chặt hơn với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, đủ tiêu chuẩn chất lượng để thỏa mãn nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu; phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng... Doanh nghiệp Việt cũng cần nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, các phần mềm nghiệp vụ; thực hiện đồng bộ các biện pháp về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến thương mại. Từ đó, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng Việt tiếp tục khẳng định chỗ đứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.