(HNM) - Là kênh phân phối chủ lực hàng hóa đến người tiêu dùng, thế nhưng trên thực tế, tại hầu hết các chợ đầu mối, chợ truyền thống ở Hà Nội, hàng Việt lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chú trọng sản xuất hàng hóa có chất lượng nhắm vào đối tượng có thu nhập cao và đẩy mạnh tìm kiếm thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ ngỏ thị trường nội địa, đặc biệt đối với hàng hóa dành cho những người có thu nhập trung bình, thấp…
Tỷ lệ hàng Việt tại chợ Đồng Xuân vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. |
Hàng Việt thua trên "sân nhà"
Trong nhiều thập kỷ qua, Đồng Xuân luôn là chợ đầu mối bán buôn lớn của Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc. Chợ có gần 2.200 tiểu thương kinh doanh, mức luân chuyển hàng hóa tới hàng trăm tấn/ngày. Hằng ngày, người ra vào, đóng hàng, khuân vác, chuyển hàng từ chợ đến các vùng miền trong nước diễn ra rất tấp nập, sôi động. Tuy nhiên, theo ghi nhận, trong phần lớn các sản phẩm hàng hóa bán buôn tại đây, từ vải vóc, quần áo, đồ dùng cá nhân, gia đình đến văn phòng phẩm, đồ chơi, lưu niệm, nông sản thực phẩm… hàng có xuất xứ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ "áp đảo" 70- 80%, thậm chí lên đến 90% như với ngành hàng đồ lưu niệm, quà tặng, đồ dùng cá nhân và gia đình, valy, cặp sách. Chị Nguyễn Thị Hương - chủ sạp 9A3, kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Xuân lý giải: "Nguyên nhân hàng Trung Quốc áp đảo hàng Việt là do mẫu mã đa dạng, bắt mắt; giá cả phải chăng, đánh trúng vào nhóm thu nhập trung bình, thấp. Hàng Trung Quốc còn có đội ngũ vận chuyển, giao đến tận sạp, hết hàng "kêu" là có, sản phẩm lỗi được đổi, cách thức thanh toán linh hoạt… Nói chung đi buôn chỉ cần làm ăn thuận tiện, có lãi là làm thôi". Mặc dù vậy, trên thực tế, phần lớn hàng hóa Trung Quốc bán ở chợ là hàng đi qua đường tiểu ngạch, vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa; người kinh doanh luôn phải đối mặt với việc có thể bị tịch thu hàng khi bị quản lý thị trường kiểm tra, thậm chí còn phải nộp phạt nên khi được hỏi, nhiều người đều mong muốn được bán các sản phẩm của nhà sản xuất trong nước song khó tiếp cận bởi thiếu sự liên kết giữa nhà sản xuất - người kinh doanh. Không chỉ chợ Đồng Xuân, một số chợ lớn tại Hà Nội như chợ Ngã Tư Sở, Hôm - Đức Viên, Cầu Giấy, Bưởi..., hàng Việt cũng đang ở trong tình trạng "lép vế".
"Cửa" nào cho hàng Việt?
"Đưa hàng Việt vào các chợ truyền thống" là chủ đề cuộc tọa đàm được tổ chức mới đây giữa Bộ Công thương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam với các tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân. Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian qua, công ty đã tổ chức một số buổi tọa đàm, liên kết các nhà sản xuất, phân phối với các tiểu thương kinh doanh trong chợ nhằm kết nối các bên, tìm phương thức, cơ chế tiếp cận trực tiếp song kết quả thu được rất hạn chế. Do nhiều khó khăn, vướng mắc, cả hai phía chưa tìm được tiếng nói chung.
"Chợ của mình sao lại có câu chuyện đưa hàng Việt vào?" là câu hỏi chứa đựng nhiều nghịch lý của những tiểu thương chúng tôi gặp. Quả vậy, chợ truyền thống là kênh phân phối hàng hóa lớn, tương đương 80% kênh phân phối hàng nội, đưa đến các vùng sâu, vùng xa; sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân, nhất là những người có thu nhập trung bình, thấp. Song lâu nay, nhiều DN Việt Nam chủ yếu chỉ quan tâm đến xuất khẩu, sản xuất hàng "chất lượng cao" cho người có thu nhập trên trung bình, nên phân khúc thị trường cho những người có thu nhập thấp hơn đang bị các nhà sản xuất Trung Quốc thâu tóm. "Cửa" nào cho hàng Việt? Câu hỏi này không khó tìm lời giải nếu các nhà sản xuất trong nước biết trân trọng người tiêu dùng, am hiểu và tìm cách thỏa mãn nhu cầu của họ. Thực tế, cơ hội cho hàng Việt trên "sân nhà" đang lớn dần khi thời gian gần đây, người tiêu dùng nhận thấy rằng hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng kém, thậm chí nhiều mặt hàng còn gây độc hại khi sử dụng. Ngoài ra là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng không thực hiện được khi mua phải hàng bị hỏng, kém chất lượng hay ảnh hưởng đến sức khỏe vì mua hàng Trung Quốc thường không có hóa đơn chứng từ xác nhận tên hàng, phẩm cấp hay nhà sản xuất.
Người Việt không quay lưng lại với hàng Việt bởi trên thực tế, nhiều sản phẩm trong nước được người tiêu dùng rất ưa chuộng như: May 10, dệt kim Đông Xuân, phích nước Rạng Đông, màn tuyn 10-10… Để hàng Việt giành lại thị phần trên "sân nhà", ông Đỗ Xuân Thủy cho rằng, trước hết các doanh nghiệp cần có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí, tiềm năng của hoạt động kinh doanh trong các chợ truyền thống để có cơ chế, chính sách, phương thức tiếp cận phù hợp, đưa sản phẩm vào chợ một cách hiệu quả nhất. Doanh nghiệp không cần phải đi đâu xa khi chỉ cần "rót" hàng vào các chợ đầu mối bán buôn là thương lái sẽ chuyển hàng tới mọi vùng miền. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cải tiến phương thức bán hàng, xây dựng đội ngũ nhân viên đi giao hàng, tiếp thị tận sạp... Có vậy, hàng "nội" sẽ dần chiếm lĩnh lại "sân nhà". Quyền lợi người tiêu dùng cũng sẽ được bảo vệ khi hàng hóa bán ra rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng.
"Tiếp sức hàng Việt", "Đưa hàng Việt vào các chợ truyền thống"..., những cuộc tọa đàm được tổ chức trong hai năm gần đây tại chợ Đồng Xuân đã mang đến những hiệu quả bước đầu. Một số doanh nghiệp Việt như Vinamilk, Vina Giày, Dệt kim Đông Xuân, Vải Phong Phú... đã và đang xúc tiến đưa hàng vào chợ bán. Đó là những dấu hiệu tốt để tỷ lệ hàng nội tại chợ Đồng Xuân và các chợ đầu mối, truyền thống khác trên địa bàn thành phố tăng cao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô và để hàng Việt không còn "lép vế" trên "sân nhà".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.