Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Việt phải chinh phục được người Việt

Thanh Hiền| 04/07/2012 06:43

(HNM) - Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế, cuộc vận động (CVĐ)



Thời gian qua, Ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội đã phát động CVĐ gắn với chương trình giới thiệu, bán hàng do doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất; kêu gọi lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng sản xuất. Đặc biệt, ý thức "ưu tiên hàng Việt" trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Trong bối cảnh hội nhập và mở cửa thị trường với vô vàn lựa chọn cho NTD, "ưu tiên hàng Việt" không chỉ đơn thuần được xem xét dưới góc độ kinh tế, lợi nhuận mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, từ NTD, doanh nhân, DN đến các hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý.

Khách hàng chọn mua sản phẩm bút bi Thiên Long. Ảnh: Linh Tâm


Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, triển khai hiệu quả CVĐ, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với việc xây dựng văn hóa trong kinh doanh, thực hiện các chương trình "Hành động vì quyền lợi NTD", bình chọn "Hàng Việt Nam được NTD ưa thích"… Ban Chỉ đạo CVĐ đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi mua sắm trang thiết bị phải ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước. Đồng thời, tuyên truyền, vận động DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi NTD, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Công tác tuyên truyền thực hiện CVĐ của Ban chỉ đạo đã nhận được sự vào cuộc của các cấp, các ngành với nhiều nội dung phong phú được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên bản tin và trang web của các ngành, đoàn thể… Các ban, ngành thành viên cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CVĐ. CVĐ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp không nhỏ vào việc nâng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân, DN về sản xuất, sử dụng hàng Việt Nam; tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Với thực tế hiện nay, khi nhiều người dân vẫn có tư tưởng "sính ngoại" thì cũng cần nói rằng, nhiều năm qua, DN Việt Nam đã để mất thị phần trên "sân nhà". Có thể thấy nguyên nhân chính của thực trạng này là do sự áp đảo của hàng nhập khẩu (mà chủ yếu là có xuất xứ từ Trung Quốc) và uy tín của DN nội địa. Hàng Trung Quốc len lỏi vào hầu hết các ngành hàng ở nước ta từ may mặc, đồ gia dụng, đồ dùng học sinh, đồ chơi, bánh kẹo, nông sản… với giá thành rẻ hơn so với hàng Việt Nam. Bên cạnh yếu tố giá, thì chất lượng sản phẩm không ổn định là một trong những lý do khiến NTD vẫn dè dặt với hàng sản xuất trong nước. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao chúng ta cứ phải hô hào dùng hàng Việt là yêu nước, mà không đặt lời kêu gọi ngược lại cho các nhà sản xuất lấy đạo đức kinh doanh làm thước đo lòng yêu nước.

Vì vậy, một trong những yếu tố cần thiết để hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hàng Việt phải chinh phục được người Việt. Để làm được điều đó, các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội địa phải thực hiện các giải pháp đồng bộ gắn sản xuất với thị trường trong nước. DN phải có hàng chất lượng tốt, giá thành hợp lý, mẫu mã phù hợp với mọi đối tượng NTD thì mới có thể hy vọng nguời dân ưu tiên dùng hàng hóa, sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, DN cần nắm bắt thông tin đổi mới công nghệ, có chiến lược phát triển thị trường nội địa phù hợp. Chúng ta không chỉ vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", mà đã đến lúc cần vận động "Hàng Việt Nam phải chinh phục được người Việt Nam". Như vậy, vừa thể hiện được trách nhiệm của người sản xuất đối với NTD, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa nội địa, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam để cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Sở Công thương đã phối hợp với các DN, địa phương để tổ chức trung tâm bán hàng lưu động tại các quận, huyện trên địa bàn. Triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau, thực phẩm an toàn, kho hàng, tuyến phố theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển thị trường nông thôn; bảo đảm cân đối cung - cầu và bình ổn giá với một số mặt hàng thiết yếu.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung tuyên truyền cho các đơn vị trực thuộc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi thực hiện mua sắm công, tuyên truyền ý thức sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng Việt phải chinh phục được người Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.