(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào thời điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt, khiến hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước sạch trầm trọng. Nhiều hộ đã phải chấp nhận sử dụng nước không hợp vệ sinh, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Rất nhiều hộ dân "khát" nước sạch
Mặc dù cách trung tâm thành phố khoảng hơn 5km nhưng đến nay nhiều hộ dân tại đường Bình Long (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) vẫn "khát" nước sạch. Là một trong những hộ luôn trong tình trạng phải mua nước để dùng, gia đình ông Nguyễn Văn Thuận (trú tại đường Bình Long) cho biết, cả tháng nay, khi thời tiết bước vào thời điểm nắng nóng nhất cũng là lúc cả khu phố rơi vào cảnh thiếu nước sạch nên phải đi mua nhưng chỉ đủ để nấu ăn do giá nước cao. Còn nước tắm giặt, cứ ngày 3 lần, các thành viên trong gia đình thay nhau đi xin nước giếng khoan. "Mùa khô đang bước vào thời kỳ cao điểm nếu tình trạng này kéo dài thì rất gay", ông Thuận than phiền.
Nước không hợp vệ sinh tại ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. |
Là một trong những huyện luôn rơi vào tình trạng thiếu nước sạch, Củ Chi hiện có hơn 100.000 hộ vẫn chưa có nguồn nước sạch. Do đó, những hộ dân này phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, điển hình nhất tại ấp Lào Táo Thượng (xã Trung Lập Thượng). Đợt khảo sát gần đây cho thấy, hệ thống đường ống cung cấp nước sạch vẫn chưa được triển khai, trong khi các hộ dân không có các bồn dự trữ nước sạch. Vì vậy, nhiều hộ dân phải kéo xe đi mua nước tại trung tâm thị trấn, có những hộ đành chấp nhận dùng nước không hợp vệ sinh do điều kiện kinh tế khó khăn. Bà Cù Thị Ly (ở ấp Lào Táo Thượng) cho biết, dù quanh năm trong tình trạng thiếu nước, nhưng đến cao điểm mùa khô thì nguồn nước gần như cạn kiệt. Thời điểm này nhu cầu mua nước sạch của người dân quá cao nên nguồn nước cung cấp không đủ, trong khi giá thành dao động từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/m3 nước. "Hộ nghèo như chúng tôi không có điều kiện để mua nước sạch nên chấp nhận dùng nước sông, ao hồ, kể cả nước phèn từ các giếng khoan", bà Ly cho biết.
Hàng trăm tỷ đồng đang triển khai
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện khu vực đô thị có khoảng hơn 1,4 triệu hộ dân đang được sử dụng nước sạch (gồm 19 quận nội thành và 5 thị trấn), đạt tỷ lệ 94,8% số hộ dân được cấp nước sạch. Còn tại khu vực nông thôn có khoảng hơn 110 nghìn hộ dân được cấp nước sạch, đạt tỷ lệ hơn 32%. Tính đến nay có hơn 225 nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố (chiếm tỷ lệ hơn 17% tổng số hộ dân) chưa được sử dụng nước sạch và đang sử dụng nước chưa được kiểm soát về chất lượng. Để cải thiện tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch, thời gian tới, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nhà máy nước Thủ Đức 3, đạt công suất 300.000m3/ngày; xây dựng mới 16 công trình và nâng cấp mở rộng 10 công trình theo chương trình nước sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2013-2015, với tổng mức đầu tư 329 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2015 sẽ nâng công suất cấp nước lên 2.120.000m3/ngày; đồng thời nâng cấp và xây dựng hơn 860m đường ống cung cấp nước sạch cho hơn 100 nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố.
Về vấn đề này, UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo Tổng công ty TNHH một thành viên Cấp nước Sài Gòn có giải pháp lắp đặt bồn nước tập trung, lắp đặt đồng hồ tổng... để người dân được tiếp cận việc sử dụng nước sạch. Riêng tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng tại huyện Củ Chi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín cho biết, thành phố đã giao cho Sở GTVT phối hợp cùng UBND huyện Củ Chi xác định cụm dân cư cần xây hồ, bể, bồn chứa nước để tiến hành xây dựng và cung cấp kịp thời cho người dân. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã tạm ứng kinh phí 2,5 tỷ đồng từ ngân sách huyện và thực hiện thí điểm việc cung cấp nước sạch bằng bộ lọc nước theo công nghệ nano cho các hộ dân. Cụ thể, dự kiến cuối năm 2015 sẽ bảo đảm cho 100% người dân trong huyện được tiếp cận nước sạch qua nhiều phương thức như: Mạng lưới, trạm, bồn, đồng hồ tổng, thiết bị xử lý nước tại gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.