Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng trăm hộ dân sống bên “miệng Hà bá”

Gia Bảo| 27/09/2013 06:48

(HNM) - Vụ 7 căn nhà bất ngờ bị đổ sập và lún nứt thuộc hẻm 283 đường Bông Sao (nằm sát rạch Hiệp Ân, phường 5, quận 8) mới đây lần nữa gióng lên hồi chuông báo động...

Theo thống kê của Sở GTVT, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 59 vị trí có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, huyện Nhà Bè chiếm hơn 1/3 với 21 vị trí, huyện Cần Giờ có 12 vị trí, quận Thủ Đức và Bình Thạnh đều có 6 điểm xung yếu. Điều đáng nói, huyện Nhà Bè đứng đầu sổ về mức độ đặc biệt nguy hiểm với 12 điểm, huyện Bình Chánh 4 điểm, quận Bình Thạnh 3 điểm và quận 2 là 2 điểm.

Sạt lở, cuốn trôi nhà dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang ngày tăng cao trong mùa mưa bão.


Ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 800 hộ dân đang sống ở khu vực nguy hiểm, đa phần tại bờ tả sông Soài Rạp thuộc Km8+500, dài khoảng 500m. Chính quyền huyện dù cắm biển cảnh báo và theo dõi sát sao, thậm chí đã gia cố cọc cừ nhưng nước vẫn xâm thực. Tại đây, khi mưa, nguồn nước dâng cao, chảy xiết khiến từng lớp đất cát bị cuốn trôi, những người dân sống ở khu vực này nơm nớp nỗi lo mất nhà lẫn sự an toàn của bản thân. Ông Trần Văn Giàu, Phó Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa thành phố cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, toàn thành phố xảy ra 15 vụ sạt lở, trong đó, huyện Cần Giờ đã chiếm 6 vụ và riêng khu vực bờ kè Tắc sông Chà xảy ra đến 4 vụ, xóa sổ 7 căn nhà, 800m2 đất và gần 150m kè đá hộc.

Tương tự, tại huyện Nhà Bè, từ đầu năm đến nay cũng xảy ra 6 vụ, làm 9 căn nhà bị trôi xuống sông và nứt lún, chưa kể hàng trăm mét đất đá vừa gia cố cũng bị nước nhấn chìm. Ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho hay, toàn huyện có 12 vị trí đặc biệt nguy hiểm, trong đó, 5 vị trí tại xã Phú Xuân, Nhơn Đức, Phước Lộc, Phước Kiểng và Hiệp Phước đang có trên 100 hộ dân sinh sống.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Giàu, một số DA xây dựng bờ kè chống sạt lở vẫn đang chậm tiến độ do thiếu vốn và vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, trong 12 vị trí đặc biệt nguy hiểm ở huyện Nhà Bè, từ năm 2011, đã thi công 9 công trình bờ kè chống sạt lở. Theo đúng tiến độ thì sau 1 năm phải hoàn thành nhưng đến nay DA vẫn chưa xong do chưa được bố trí vốn. Tại DA chống sạt lở kênh Thanh Đa, đoạn từ hạ lưu cầu Kinh đến khu dầu khí (quận Bình Thạnh) có tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, dự kiến cuối tháng 12-2013 hoàn thành nhưng do vướng 8 hộ dân chưa giải tỏa nên chưa thể thi công. Tương tự, DA chống sạt lở tại đoạn từ hạ lưu cầu Kinh đến bờ kè công đoàn, tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng, dự kiến cuối năm nay hoàn thành nhưng đến giờ chỉ mới thi công được 220m/667m kè, do 29 hộ chưa bàn giao mặt bằng.

Chưa hết, theo ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, với các hộ dân đang sống ở khu vực đặc biệt nguy hiểm, huyện đã có phương án di rời về 2 khu được quy hoạch ở xã Phước Lộc và Nhơn Đức, rộng 9ha, quy mô khoảng 400 hộ dân. Tuy nhiên, đề án vẫn dừng trên giấy bởi phải chờ chủ trương và nguồn kinh phí của thành phố. Với thực trạng trên, hàng trăm hộ dân TP Hồ Chí Minh vẫn chưa biết tài sản và tính mạng mình sẽ gặp nguy lúc nào, khi mưa bão ngày càng khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng trăm hộ dân sống bên “miệng Hà bá”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.