Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng thiết yếu chậm giảm giá: Lỗi tại thủ tục?

Hương Ly| 24/12/2014 07:03

(HNM) - Sau 12 lần điều chỉnh giảm, giá xăng đã xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và tiệm cận gần hơn với giá thế giới.

Kỳ vọng một mặt bằng giá mới

Ngày 22-12, giá xăng đã ghi nhận mức giảm kỷ lục 2.050 đồng/lít, mức giảm "sâu" nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Mức giá này tiệm cận gần với giá xăng thành phẩm tại một số quốc gia trên thế giới. Giá xăng dầu giảm mạnh vào thời điểm giá cả thị trường thường biến động do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, được coi là một yếu tố thuận lợi giúp CPI ổn định. Bên cạnh đó, việc xăng dầu giảm giá dự kiến sẽ tác động tích cực, giúp nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu giảm xuống một mức giá mới hợp lý hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm tổng cộng 7.760 đồng/lít xăng tính từ đầu năm tới nay, đặc biệt là lần giảm giá khoảng 10% vào ngày 22-12, sẽ tác động tích cực tới thị trường. Chỉ số giá vòng 1 sẽ giảm khoảng 0,8% và riêng các ngành hàng sử dụng xăng dầu là "đầu vào" sẽ giảm gần 1%.

Giá xăng hiện đã giảm “sâu” nhưng các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu chưa giảm giá tương xứng.
Ảnh: Ngọc Châu


Xăng dầu giảm giá cũng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng. Bởi khi hàng hóa được DN điều chỉnh giảm xuống mức giá mới hợp lý do phí vận chuyển giảm, người dân sẽ chi tiêu mạnh tay hơn, qua đó giúp DN giải phóng hàng tồn kho và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Điều này sẽ tạo những tác động tích cực tới nền kinh tế, bởi lượng hàng tồn kho của DN còn khá lớn do người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn.

Đặc biệt, việc giá xăng dầu giảm cùng thời điểm CPI tháng 12 tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng giảm lần lượt ở mức 0,23% và 0,36% sẽ tạo tiền đề tốt để bình ổn giá tiêu dùng trong năm 2015. Theo nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặc dù áp lực lạm phát từ thị trường thế giới năm 2015 không quá cao, song kết quả tích cực trong công tác kiềm chế lạm phát năm 2014 đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ ổn định giá thị trường năm tới. Bởi năm 2015 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động "trễ" của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2014. Thêm vào đó, 2015 là năm Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược quan trọng thiết yếu như: Điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí... khiến chỉ số giá sẽ điều chỉnh theo hướng tăng.

Thủ tục hay đạo đức kinh doanh?

Trước thực tế giá xăng, dầu giảm mạnh và liên tiếp, người tiêu dùng không thể không đặt ra câu hỏi: Vì sao giá nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn "giậm chân tại chỗ", hoặc chỉ giảm giá nhỏ giọt không tương xứng? Bởi theo tính toán của các chuyên gia, xăng dầu chiếm tới 40-50% chi phí hình thành cước vận tải. Giá xăng giảm mạnh, ước tính giá cước vận tải có khả năng giảm 4-5%. Nhưng trên thực tế, cước vận tải hành khách và cước taxi đã giảm không tương xứng.

Trước tình hình giá cước vận tải giảm chậm, tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, yêu cầu DN kê khai giảm giá cước vận tải ô tô phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Theo kết quả kiểm tra được Bộ Tài chính công bố cuối tháng 11, tại 3 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nhiều DN đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2% đến 32%. Mặc dù một số DN được kiểm tra đã có mức giảm giá khá ấn tượng là 32%, song các chuyên gia cho rằng còn không ít DN chần chừ, giảm giá nhỏ giọt, thậm chí không giảm giá vì mục tiêu lợi nhuận.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức giá cao bất hợp lý. Các ngành chức năng cần xem xét bình ổn giá với những mặt hàng thiết yếu như: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau xanh, đường, sữa… Để kiểm soát, cần thông qua các nhà sản xuất lớn, các DN đầu mối, kết hợp với việc tạo điều kiện cho việc buôn bán, giao thương, qua đó đưa hàng hóa xuống mức giá mới phù hợp. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch Hội Thẩm định giá, cần xem xét đạo đức kinh doanh của DN khi chậm giảm giá hơn so với việc tăng giá. DN đã viện nhiều lý do để lý giải điều này, trong đó đổ lỗi cho thủ tục đăng ký giá phức tạp. Song dư luận lại cho rằng, khi tăng giá cũng phải làm thủ tục sao DN vẫn làm rất nhanh mà khi giảm giá thì chậm. Thêm nữa, việc kiểm tra, kiểm soát yếu tố hình thành giá của DN chưa thường xuyên, chưa kịp thời đã khiến ngành chức năng kiểm soát giá chưa đưa ra được biện pháp xử lý phù hợp.

Theo quy định tại Luật Giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định. UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá tại địa phương. Vì vậy, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hàng hóa dịch vụ chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ và địa phương. Quy định đã có, phân cấp đã rõ ràng, song "điệp khúc" tăng nhanh, giảm chậm vì sao vẫn mãi tồn tại?

Doanh nghiệp vận tải không thể không giảm giá cước

(HNM) - Đó là ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp (DN) vận tải trước việc giá xăng giảm mạnh vào ngày 22-12 vừa qua (giá xăng RON 92 giảm 2.050 đồng/lít).

Một số ý kiến cho rằng, trong 11 lần giảm giá xăng dầu trước đó, nhiều DN chây ỳ, không giảm giá cước nhưng cũng không ít DN đã có phương án giảm giá cước (trung bình ở mức 5-10%). Tuy nhiên lần giảm sâu này đã buộc các DN vận tải phải tính toán lại chi phí, giá thành cho hợp lý hơn. Đại diện Công ty cổ phần Vận tải ô tô Điện Biên cho biết: Trước đợt giảm giá nhiên liệu ngày 22-12, công ty đã giảm cước vận chuyển hành khách trên tuyến Điện Biên - Hà Nội từ 375.000 đồng/khách/lượt xuống 360.000 đồng/khách/lượt; tuyến Lai Châu - Hà Nội giảm từ 330.000 đồng/khách/ lượt còn 300.000 đồng/khách/lượt. Công ty sẽ tính toán phương án giảm giá tiếp để tăng sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, đại diện một số hãng taxi lại cho rằng, đơn vị vừa mới triển khai giảm cước vào đầu tháng 12-2014 nên đợt này phải tiếp tục nghiên cứu để có phương án phù hợp nhưng cam kết sẽ tính toán giảm giá.


Lương Ninh Giang


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng thiết yếu chậm giảm giá: Lỗi tại thủ tục?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.