Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng Thái “xâm chiếm” thị trường

Đặng Loan| 20/04/2016 06:39

(HNM) - Hàng ngoại, đặc biệt là hàng tiêu dùng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường TP Hồ Chí Minh. Sức hút của hàng Thái đối với người tiêu dùng ngày càng tăng bởi chất lượng và giá cả. Hàng Việt đang đứng trước nguy cơ mất thị trường.


Ngóc ngách nào cũng có hàng Thái

Các cửa hàng bán hàng Thái Lan đang mọc lên ngày càng nhiều ở TP Hồ Chí Minh. Dọc các con đường Nguyễn Trãi (Quận 5), đường Lê Văn Sỹ (Quận 3), đường Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình) có rất nhiều cửa hàng bán hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Còn ở các siêu thị, hàng Thái trên kệ ngày càng nhiều. Riêng hệ thống siêu thị Metro, từ ngày thuộc về Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan, hàng Thái trên kệ tăng lên càng rõ. Khu vực cổng ra vào Metro được dành riêng để trưng bày hàng hóa Thái Lan.

Khách chen lấn mua hàng tại Hội chợ hàng Thái Lan.


Không chỉ ở siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp (DN) Thái Lan còn vươn cánh tay đến tận các ngóc ngách thị trường thông qua các hội chợ hàng Thái tổ chức thường xuyên hơn. Trước đây, tại TP Hồ Chí Minh, hội chợ hàng Thái chỉ tổ chức mỗi năm một lần thì những năm gần đây tổ chức 3 - 4 lần/năm. Năm nay, cho đến thời điểm hiện tại đã có hai hội chợ hàng Thái Lan được tổ chức. Hội chợ hàng Thái Lan quy mô không lớn, nhưng cảnh mua bán tấp nập khác hẳn các hội chợ hàng Việt, nơi mà người tiêu dùng phần đông chỉ đi... chơi!

Tại hội chợ vừa tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11) có trên 350 gian hàng của 200 công ty và nhà nhập khẩu Thái Lan tham gia với đa dạng sản phẩm từ hàng gia dụng, dệt may, trang sức, sản phẩm trang trí gia đình và đồ lưu niệm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, xe đạp và phụ tùng… Gần như tất cả các gian hàng đều luôn tấp nập khách. Theo nhiều người tiêu dùng, hàng Thái Lan được ưa chuộng bởi có giá vừa phải nhưng chất lượng tốt, mẫu mã hấp dẫn. Chẳng hạn, xà phòng được làm với những hình thù đa dạng bắt mắt như hình trái dừa, dứa, hoa sứ, chuối,… có giá chỉ 70.000 đồng/bánh; các sản phẩm trang sức như hoa tai, nhẫn… rất tinh xảo giá chỉ trên dưới 100.000 đồng. Giày dép phổ biến 100.000 - 200.000 đồng; kính mắt giá chỉ khoảng 300.000 đồng…

Tiếp sức cho hàng Việt

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trong khối ASEAN mà Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh xuất khẩu đầu tư. Để chuẩn bị cạnh tranh ở thị trường 600 triệu dân của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Thái Lan đã triển khai chương trình xúc tiến đầu tư tại 4 thị trường chính là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar; ngoài ra, còn có riêng 6 chương trình dành cho các DN nhỏ và vừa. Chính vì vậy mà DN Thái Lan có thêm điều kiện thâm nhập thị trường nước khác. Gần như tất cả hội chợ, triển lãm hàng Thái Lan ở nước ngoài đều nằm trong chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ, được Cục Hội nghị và Triển lãm Thái Lan (TCEB) tổ chức bài bản nên hàng Thái Lan ra nước ngoài bằng con đường này cũng dễ dàng hơn. Theo đó, các DN Thái được những bàn tay thiết kế rất chuyên nghiệp chuẩn bị từ gian hàng, vận chuyển và cung cấp sản phẩm khuyến mãi… Chính vì vậy mà các gian hàng tham gia hội chợ ở nước ngoài của Thái Lan rất thu hút khách tham quan, tạo điều kiện dễ dàng để tìm kiếm khách hàng ở thị trường ngoài nước.

Nói về sức cạnh tranh của DN Việt Nam với hàng Thái Lan, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho rằng DN Việt có nhiều việc phải làm, ngoài nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã còn cần xây dựng và củng cố lại hệ thống phân phối của mình, đặc biệt ở thị trường nông thôn. Bà Vũ Kim Hạnh cũng cho rằng, dù các DN Thái Lan lớn hơn và đang "xâm chiếm" mạnh mẽ thị trường Việt Nam nhưng các DN Việt cũng có lợi thế cạnh tranh của mình, đó là hiểu thị trường hơn. Vấn đề là mỗi DN phải biết thế mạnh cạnh tranh của mình là gì để tập trung vào sản phẩm đó.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, trong cuộc khảo sát doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao 2016 vừa qua, vấn đề DN Việt "kêu" nhiều nhất là tình trạng hàng gian, hàng giả. Tình trạng hàng gian, hàng giả quá nhiều trên thị trường khiến DN Việt mất thị trường, làm giảm sức cạnh tranh, đặc biệt là hàng cùng phân khúc như hàng Thái Lan. Chính vì vậy, để tiếp sức cạnh tranh cho DN Việt, theo bà Hạnh, ngoài nguồn vốn, cần phải chống hàng gian, hàng giả quyết liệt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng Thái “xâm chiếm” thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.