(HNM) - So với mùa tựu trường năm ngoái, giá các mặt hàng đồ dùng học tập, sách giáo khoa, đồng phục học sinh... năm nay đều tăng giá nhưng mẫu mã phong phú hơn. Nhiều đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này cho biết, người tiêu dùng đã mua sắm những mặt hàng trong nước sản xuất với sự tin tưởng về chất lượng và giá cả. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) cần tận dụng
Giá tăng 10-20%, mẫu mã vẫn khiêm tốn
Theo các đơn vị cung ứng sản phẩm đồ dùng học tập, năm nay giá sách vở, văn phòng phẩm tăng từ 10 đến 20% do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng. Nhưng không vì thế mà sức mua giảm, vì nhu cầu không thể thiếu, đồng thời các nhà sản xuất trong nước đã nhạy bén hơn trong việc cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng... Các nhãn hiệu bút máy Thiên Long, Bến Nghé, Hồng Hà... tiêu thụ khá mạnh trên thị trường, giá dao động từ 14.000-60.000 đồng/chiếc; hộp bút giá 5.000-40.000 đồng/chiếc (tùy loại nhựa, vải hay thiếc). Một số loại sách tham khảo cũng tăng giá, riêng giá các loại sách giáo khoa vẫn giữ ổn định. Theo danh mục niêm yết của Nhà xuất bản Giáo dục, giá bán lẻ sách giao khoa từ lớp 1 đến lớp 12 là 36.000-125.000 đồng/bộ (chưa có sách tham khảo, bổ trợ). Giá tập vở ngoài thị trường hiện tăng khoảng 10-25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập vở loại 72 trang, 96 trang, giá dao động khoảng từ 3.500-7.500 đồng/cuốn; loại 120 trang: 6.000-13.000 đồng/cuốn; loại 200 trang: giá 12.000-16.000 đồng/cuốn (tùy chất lượng giấy và nhà sản xuất).
Giá giấy nhập khẩu thời gian vừa qua tăng cao do vậy nhiều công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm sách, truyện, vở học sinh... gặp nhiều khó khăn khi vừa phải bảo đảm lợi nhuận, vừa phải đưa ra mức giá hợp lý để cạnh tranh trên thị trường. Qua khảo sát, hầu hết các nhà phát hành sách đều áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá đối với sách giáo khoa, sách bổ trợ đến hết tháng 8 với mức giảm từ 5-10%. Trong khi đó, mặt hàng cặp sách, ba lô của một số DN trong nước cũng được nhiều phụ huynh và học sinh ưa chuộng. Chị Lê Lan Anh, chủ một cửa hàng trên phố Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây mỗi ngày cửa hàng bán trung bình hơn 30 chiếc cặp sách, trong đó tới 90% là sản phẩm nội. Không riêng những cửa hàng nhỏ lẻ, mà tại các trung tâm văn phòng phẩm lớn như chuỗi cửa hàng Tiền Phong VDC, nhà sách Fahasa... thị phần cặp sách của các DN nội như Ladoda, Barbie, Hồng Hà, Thiên Long, Miti, Puna... cũng tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm yếu của các sản phẩm trong nước vẫn là mẫu mã còn khiêm tốn, nên khách hàng có ít sự lựa chọn. Trong khi cặp sách nhập ngoại lại rất đa dạng về kiểu dáng.
Khuyến mãi mùa tựu trường
Để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều siêu thị đã đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Hệ thống Siêu thị Big C đã phát động chương trình "Mừng đón mùa tựu trường - Vui sắm hàng giá rẻ" trên toàn quốc cho 900 sản phẩm, chủ yếu là sách giáo khoa, quần áo, bút viết, đồng phục học sinh... Hệ thống Siêu thị Co.op Mart (Hà Đông) khuyến mãi đến 50% đối với mặt hàng dụng cụ học tập, đồng phục học sinh, thực phẩm dinh dưỡng... Các nhà sách như Tiền Phong VDC, Fahasa thì thực hiện chương trình giảm giá 20% khi mua một số loại vở viết hiệu Campus, Hồng Hà... Đồng phục học sinh năm nay, giá không tăng bao nhiêu so với năm trước mà còn xuất hiện nhiều mẫu mã mới. Công ty CP May Việt Tiến đưa ra thị trường 15 mẫu đồng phục có kiểu dáng mới hợp thời trang, với chất liệu chính là cotton và chỉ tăng giá 5-10% đối với mẫu đồng phục được thiết kế cách điệu hợp thời trang dành cho học sinh THPT, còn các mẫu đồng phục thông thường vẫn giữ giá. Siêu thị dệt may Vinatex áp dụng mức giảm giá 10-20% đối với các sản phẩm đồng phục học sinh... Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù giới kinh doanh bán lẻ đưa hàng trăm mặt hàng phục vụ năm học mới vào diện giảm giá, nhưng thực tế hàng thiết yếu như vở viết, bút, thước kẻ, cặp sách... nằm trong diện giảm giá không nhiều, ước chừng chỉ vài chục mẫu mã.
Điều đáng nói là mức giảm giá các mặt hàng thiết yếu kể trên được các nhà bán lẻ đưa ra khá hấp dẫn, phổ biến tới 20-40%, nhưng sự xuất hiện của những thương hiệu lớn được người tiêu dùng ưa chuộng chỉ đếm trên đầu ngón tay, với một lượng hàng hóa chỉ được bày bán trong thời gian ngắn. Còn lại phần lớn là những mẫu hàng hóa lạ, giá trị món hàng nhỏ, khiến khách hàng không có nhiều sự lựa chọn. Giải thích cho sự tham gia khá dè dặt trong những chương trình khuyến mãi kể trên, đại diện một số hãng sản xuất đồ dùng học tập, vở, bút viết, cặp sách cho rằng do hiệu quả doanh thu không cao. Hơn nữa, lượng hàng hóa được tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại là siêu thị hiện còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, còn chưa tính đến những phiền phức vì mất thị trường khi vô tình tạo ra tình trạng hai giá trên cùng một mặt hàng giữa một bên là siêu thị (được ưu đãi về giá) với một bên là các đại lý, cửa hàng bán lẻ (không được hỗ trợ).
Thực tế cho thấy, có những thương hiệu, những sản phẩm mà hàng Việt đã và đang chiếm thế thượng phong trên thị trường đồ dùng học tập như Thiên Long, Bến Nghé, Hồng Hà… Nước ta có dân số trẻ nhất khu vực, do đó sức cầu rất lớn và là thị trường tiềm năng đối với hàng tiêu dùng, nếu DN bỏ lỡ cơ hội quả là đáng tiếc. Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động đã đi được một chặng đường, cũng là một quá trình, một liều thuốc thử để các DN định hình chiến lược chiếm lĩnh thị trường. Chúng ta có thể kêu gọi, khơi gợi lòng yêu nước khi đề nghị người Việt dùng hàng Việt, nhưng muốn hàng Việt được sử dụng, tiêu dùng thì trước tiên DN phải mang hết công sức, trí tuệ và tình cảm vào sản phẩm của mình, để chất lượng hàng hóa được cải tiến, nâng cấp. Làm tốt khâu này, tự người tiêu dùng sẽ tìm đến hàng Việt, mua hàng Việt, vì trước hết là quyền lợi của chính họ. Cuộc vận động sẽ là cơ hội, thời cơ để hàng Việt chiếm lĩnh và lên ngôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.