Các tòa nhà bị đổ sập, nhiều người bị vùi trong đống đổ nát, người dân hoảng loạn trên đường phố, danh sách những người mất tích ngày càng dài và số người thiệt mạng có thể lên tới hàng nghìn người.
Đó là những nét phác họa ban đầu về thảm họa kinh hoàng ở Haiti sau trận động đất 7,3 độ Richter chiều 12/1. Đây là trận động đất lớn nhất ở quốc gia vùng Caribe này trong vòng hơn 200 năm qua. Sau động đất, hai dư chấn với cường độ 5,9 và 5,5 độ Richter cũng làm rung chuyển quốc đảo này.
Người dân Haiti đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát sau vụ động đất. (Ảnh: AP)
Động đất đã làm sập một bệnh viện lớn, phá hủy trụ sở văn phòng Liên hợp quốc khiến nhiều nhân viên bị mất tích, đồng thời san bằng dinh tổng thống cùng nhiều tòa nhà chính quyền ở thủ đô Port-au-Prince, nơi có 2 triệu dân sinh sống.
Hoạt động liên lạc đã bị mất trên diện rộng, trong khi tình trạng mất điện ở nhiều nơi khiến việc thống kê số thương vong sau thảm họa chưa thể thực hiện được. Bà Sara Fajardo, người phát ngôn một tổ chức cứu trợ quốc tế ở Haiti, dự báo số người thiệt mạng do động đất có thể lên tới hàng nghìn người.
Ngay sau khi xảy ra động đất, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình ở Haiti cũng như số phận nhiều nhân viên Liên hợp quốc đang hoạt động tại quốc đảo này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington sẵn sàng hỗ trợ Port-au-Prince vượt qua thảm họa. Cộng hòa Dominica cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi hàng cứu trợ khẩn cấp tới quốc gia láng giềng Haiti. Canada và các nước Mỹ Latinh đều thông báo sẵn sàng giúp đỡ Haiti khắc phục hậu quả động đất.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva đặc biệt lo ngại về sự an toàn của hơn 7.000 nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đang hoạt động tại Haiti dưới sự chỉ huy của Brazil.
Ngoại trưởng Bernard Kouchner khẳng định tinh thần đoàn kết với nhân dân Haiti, đồng thời cho biết Paris đang chuẩn bị gửi hàng viện trợ khẩn cấp tới nước này./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.