(HNMO) - Ngày 9-10, các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước đưa người lao động về quê theo đoàn, bằng phương tiện công cộng, đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường và an toàn phòng dịch Covid-19.
Sáng 9-10, Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) nhộn nhịp hơn ngày thường. Đoàn xe buýt màu cam đỗ thành hàng dài. Hàng nghìn người Lâm Đồng đang ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước xếp hàng trật tự, tuân thủ giãn cách, thực hiện các yêu cầu của nhân viên bến xe, lần lượt lên xe về quê.
3.130 người được về đợt này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Những người được đón về trong các ngày 9 và 11-10 gồm người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, học sinh đang theo học phổ thông, người được bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người đang điều trị, khám chữa bệnh, phụ nữ mang thai. Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines (Công ty Phương Trang) hỗ trợ vận chuyển.
Chị Nguyễn Mỹ Trang, ngụ tại thành phố Thủ Đức, xúc động nói: “Tôi mang thai tháng thứ 7, cùng chồng nghỉ làm tránh dịch hơn 2 tháng qua tại nhà trọ. Nay được tỉnh Lâm Đồng phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh đưa về quê trong đợt này, tôi rất vui. Xin cảm ơn các cấp chính quyền”. Cũng theo chị Trang, sau khi đăng ký với địa phương nơi tạm trú, đăng ký với hội đồng hương của tỉnh Lâm Đồng, chỉ trong vòng 10 ngày, chị đã được các bên liên quan sắp xếp về quê.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (cơ quan tổ chức đón người về đợt này) cho biết: “Ngày 9-10, chúng tôi bố trí đưa hơn 2.000 người dân về quê. Ngày 11-10, có thêm 1.100 người nữa được đưa về. Xe sẽ đưa người dân về từng huyện và thành phố, bàn giao cho chính quyền địa phương tổ chức cách ly, quản lý theo quy định”.
Còn tại ga Sài Gòn, trong sáng 9-10, hàng nghìn người dân Quảng Bình ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương được UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với các địa phương đưa lên tàu về quê. Theo đó, tàu SE16 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 8h, tại ga Dĩ An (Bình Dương) lúc 9h và ga Biên Hòa (Đồng Nai) lúc 9h42; tàu SE18 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 10h40, ga Dĩ An lúc 11h42 và ga Biên Hòa lúc 12h22, đưa 1.400 người về quê. Trước đó, ngày 8-10, hơn 1.400 người Quảng Bình đã được về quê theo cách này.
Ông Lương Quang Chính, 70 tuổi, chia sẻ: “Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, nhưng kẹt lại nhà họ hàng gần 3 tháng qua. Nay được tỉnh và thành phố phối hợp đưa về quê, tôi rất vui và xúc động”. Trước đó, ngày 22-8, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp đưa 400 phụ nữ mang thai và bà mẹ đang nuôi con nhỏ là người Quảng Bình đang ở các tỉnh Đông Nam Bộ về quê bằng máy bay.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, suốt hơn 4 tháng cao điểm phòng, chống dịch vừa qua, thành phố vẫn phối hợp với các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức đưa được hơn 30.000 người dân về địa phương. Công việc này sẽ được tiếp tục, trong đó ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người đi khám, chữa bệnh….
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.