(HNM) - Dù có nguyên nhân khách quan là do thay đổi chính sách về định mức, đơn giá dịch vụ công ích thủy lợi, ảnh hưởng đến nguồn thu và gây nhiều khó khăn cho các đơn vị, nhưng việc chậm trả lương công nhân thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Đây là nhận định của Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên cùng đại diện sở, ngành liên quan tại giao ban báo chí diễn ra chiều 30-1, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Chậm lương vì phải hoàn trả tiền cho ngân sách
Xuất phát từ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, năm 2016, UBND thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, xã hội áp dụng cho các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn thành phố. Trong thời gian chưa có quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, UBND thành phố phê duyệt phương án đặt hàng tạm thời duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, xã hội và thực hiện hai đợt tạm ứng kinh phí cho 5 doanh nghiệp thủy lợi. Sở NN&PTNT Hà Nội đã tạm ứng cho 5 doanh nghiệp kinh phí đặt hàng tạm thời năm 2016. Số kinh phí còn lại, do các doanh nghiệp chậm hoàn thiện hồ sơ, trình cơ quan thẩm quyền thẩm định nên chưa được quyết toán.
Căn cứ thông tư của Bộ Tài chính và tờ trình của liên sở, ngày 31-7-2017, UBND thành phố đã phê duyệt phương án đặt hàng tạm thời duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, xã hội giao các doanh nghiệp phục vụ trên địa bàn thành phố năm 2017. Theo quyết định này, tổng giá trị đặt hàng năm 2017 khoảng 401 tỷ đồng, bao gồm chi phí sửa chữa thường xuyên. Đến ngày 20-12-2017, Sở NN&PTNT đã thanh toán, tạm ứng 325 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thủy lợi. Hiện nay, việc quyết toán đặt hàng năm 2017 đang được thực hiện.
Thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước, từ năm 2015 đến nay, 5 doanh nghiệp thủy lợi buộc phải nộp trả ngân sách hơn 118,776 tỷ đồng chi không đúng quy định trong giai đoạn 2011-2015. Vì những nguyên nhân trên nên 5 doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội thiếu kinh phí thanh toán tiền lương cho cán bộ, công nhân viên của mình.
Hôm nay 31-1, thanh toán lương cho công nhân
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà: Sau khi Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 280/2016/TT-BTC ngày 14-11-2016 quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Tuy nhiên, nội dung thông tư này không quy định về việc thu hay Nhà nước trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Hơn nữa, các mức giá trong Thông tư 280/2016/TT-BTC (lấy từ Nghị định 67/2012/NĐ-CP) có độ sai lệch lớn so với thực tế hiện nay…
Nhận thấy bất cập trên gây khó khăn cho các doanh nghiệp thủy lợi về kinh phí hoạt động, Sở Tài chính và Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố đề nghị Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT tháo gỡ vướng mắc. Sau đó, Liên sở NN&PTNT - Tài chính đã tham mưu UBND thành phố vận dụng Quyết định 211/1998/QĐ-BNN-QLN ngày 19-12-1998 của Bộ NN&PTNT bổ sung 113 tỷ đồng sửa chữa tài sản cố định vào kinh phí đặt hàng duy trì, vận hành công trình thủy lợi năm 2017. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan quyết liệt vào cuộc hướng dẫn, thẩm định hồ sơ thanh toán kinh phí đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp thủy lợi...
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Quốc Hội cho biết: Đến 14h30 chiều 30-1, số kinh phí đặt hàng còn thiếu đã được Kho bạc Nhà nước chuyển vào tài khoản của 5 doanh nghiệp. Hôm nay, 31-1, các doanh nghiệp sẽ thanh toán tiền lương cho công nhân để trang trải cuộc sống và mua sắm Tết. Dự kiến, Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp sẽ thưởng cho mỗi công nhân 500.000 đồng. “Chúng tôi cũng nhận trách nhiệm với lãnh đạo thành phố về thiếu sót trong chậm trễ hoàn thành hồ sơ, thực hiện thanh toán, quyết toán” - ông Nguyễn Quốc Hội cho biết thêm.
Về các sai phạm do Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, ông Nguyễn Quốc Hội cho biết: Mặc dù có băn khoăn với kết luận này nhưng 5 doanh nghiệp vẫn nghiêm túc chấp hành. Bởi thực tế, các doanh nghiệp không tự xây dựng mức lương mà áp dụng mức lương của thành phố quy định.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, để hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao, bảo đảm đời sống công nhân, thời gian tới, các doanh nghiệp cần khẩn trương cơ cấu lại tổ chức, sản xuất với số lượng công nhân phù hợp để đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiền lương theo mức quy định cho phép. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng khoa học vào sản xuất, từng bước tự động hóa hệ thống thủy lợi, giảm sức con người; quy hoạch lại mạng lưới công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống nhỏ lẻ vừa tiếp nhận từ các quận, huyện, thị xã...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.