(HNM) - Lần đầu tiên có một triển lãm quy mô về nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Những
Trong hành trình khám phá những loại nhạc cụ dân tộc ở triển lãm, tôi gặp hai thầy trò Lê Văn Quảng và Thào A Tùng với một túi các loại sáo say sưa thổi réo rắt một góc trưng bày "Sơn La âm vang bản sắc nhạc cụ dân tộc". Giản dị và ít lời, nghệ nhân Lê Văn Quảng bảo mình là người làm sáo và biết thổi sáo Mông nhưng lại không phải người Mông. Rồi ông tỉ mỉ giới thiệu với mọi người sáo đơn, sáo đôi với những kích thước khác nhau.
Đàn đá Khánh Hòa trưng bày tại triển lãm. |
Tiếp xúc với học trò của ông là Thào A Tùng chúng tôi được biết thầy Quảng được rất nhiều người Sơn La yêu mến, nể phục. Không chỉ chế tạo sáo Mông hàng "đỉnh" ở địa phương, thầy còn dạy nhiều lứa học trò trưởng thành để đến với nghệ thuật chuyên nghiệp. Thào A Tùng (13 tuổi), theo học thầy Quảng từ khi còn bé xíu, đến nay cậu đã thổi được 3 loại sáo: sáo đơn, sáo đôi, sáo bầu. Thào A Tùng nói: "Sáo ở bản chỉ có thổi điệu dân tộc, ít người hiểu lắm. Thầy Quảng dạy em những bản nhạc đặc trưng của người Mông nhưng lại được nhiều người biết đến!". Thào A Tùng đang theo năm đầu tiên Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sơn La. Em mong muốn sau này làm sáo, thổi sáo như thầy Quảng. Hai thầy trò cùng về Thủ đô lần này để biểu diễn và giới thiệu sáo Mông với mọi người. Ngoài ra, Thào A Tùng còn tham gia thi năng khiếu thể hiện các nhạc cụ truyền thống của Quỹ học bổng Vừ A Dính trong khuôn khổ hoạt động triển lãm với bài "Xuân bản Mông". Tiếng sáo khi réo rắt, trong trẻo, khi lại thủ thỉ, êm ái của cậu cứ quyến luyến như say lòng người.
Nhạc cụ độc nhất vô nhị
Nhiều người tần ngần đứng trước gian trưng bày của nhạc cụ truyền thống Thăng Long - Hà Nội để ngắm cây đàn nón "độc nhất vô nhị". Nghệ nhân Phạm Chí Bích, tác giả của nhạc cụ này là người chuyên chế tác trống ở phố Hàng Nón. Hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc cùng với tiếng đàn tranh luôn ám ảnh anh từ khi còn bé. Anh mong muốn chế tạo một loại nhạc cụ để có thể chơi vào dịp lễ hội, biểu hiện sự quần tụ… Và cây đàn nón cao gần 2m, đường kính đáy 1m có 170 dây, tương đương 6 cây đàn tranh ghép lại ra đời sau 5 năm mày mò, chế tạo. Anh Bích cho biết: "Đàn nón này không khó chơi bởi nó vẫn thuận tay với nghệ sĩ. Những sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chỉ mất một buổi tập luyện là có thể phối hợp và sử dụng thành thạo". Âm thanh của cây đàn nón vẫn bảo đảm sự thanh mảnh, đằm thắm của đàn tranh nhưng mạnh mẽ, dạt dào bởi có sự cộng hưởng rất đặc biệt.
Không chỉ có cây đàn nón, bộ mõ ghép 3 ống có thể chơi được 8 âm sắc phát ra như tiếng kêu của ếch, nhái. Điều thú vị là với nhạc cụ cải tiến này, người chơi có thể độc tấu "mõ" với những bản nhạc riêng.
Mỗi không gian của 15 đơn vị, đoàn nghệ thuật trong nước tham gia triển lãm mở ra một thế giới tràn ngập âm nhạc dân gian. Hàng ngàn nhạc cụ là hàng ngàn câu chuyện ghi dấu tâm hồn lãng mạn, bay bổng của các tộc người trên đất Việt. Ông cha ta cho rằng, âm nhạc là phương tiện để nối cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất, thần linh, giữa hiện tại với quá khứ; thể hiện tình yêu thương. Và ngày nay các hoạt động động viên, khích lệ đồng bào bảo tồn, phát huy nhạc cụ truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng là vô cùng cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.