Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng loạt sai phạm trong các dự án dạy nghề

Hoàng Hà| 12/04/2012 06:57

(HNM) - Hơn 100 tỷ đồng sử dụng sai mục đích, sai đối tượng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng vốn của "Dự án tăng cường năng lực dạy nghề" và "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã được Thanh tra Chính phủ kết luận. Những băn khoăn về sự yếu kém của hệ thống dạy nghề của Việt Nam đã dần được giải đáp.

Từ tháng 5-2011, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc sử dụng vốn của hai dự án nêu trên (giai đoạn 2006-2010) của Bộ LĐ-TB&XH. Xác minh tại 6 sở LĐ-TB&XH, 40 cơ sở dạy nghề (CSDN) tại các địa phương: An Giang, Hà Nội, Nam Định, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Thái Bình và 2 trường cao đẳng nghề trực thuộc Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) và đã có kết luận số 3095/KL-TTCP. Kết luận nêu rõ nhiều sở LĐ-TB&XH và CSDN chưa chú trọng đến điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu sử dụng thiết bị trước khi đầu tư dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, thiết bị mua về nhưng tần suất sử dụng thấp, kém hiệu quả. Có CSDN đầu tư tới 664 thiết bị trị giá hơn 7,2 tỷ đồng nhưng không dạy được nghề cho ai; có CSDN mua 32 thiết bị với hơn 5,6 tỷ đồng nhưng để lưu kho; có 6 CSDN đã mua 121 thiết bị bằng tiền dự án nhưng sử dụng vào việc văn phòng hoặc cho đơn vị khác mượn, điều chuyển đi nơi khác sai mục đích sử dụng, thất thoát hơn 2,338 tỷ đồng. Đặc biệt, Trung tâm Dạy nghề huyện Giao Thủy (nay là Trường Trung cấp Nghề thương mại - du lịch - dịch vụ) đã lập hồ sơ mua bán thiết bị dạy nghề trị giá 629,7 triệu đồng nhưng tại thời điểm thanh tra tháng 5-2011 thì có nhiều thiết bị không được mua nhưng khai khống, có giá trị là 265,7 triệu đồng.

Hệ thống đào tạo nghề còn tồn tại nhiều bất cập. Ảnh: Thái Hiền

Trong việc sử dụng vốn của dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) có những vi phạm như dạy nghề không đúng đối tượng, tách lớp học để tính thêm chi phí, thống kê chi phí mua nguyên vật liệu, thiết bị, giáo trình không đúng thực tế hoặc không có chứng từ… Về công tác quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH còn yếu kém, thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát địa phương trong phân bổ, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán vốn các chương trình, đề án, dự án; chưa có biện pháp chấn chỉnh và xử lý vi phạm. Vì vậy, số vốn sử dụng sai mục đích, sai mục tiêu, sai đối tượng với tổng số tiền lên tới gần 105 tỷ đồng. Trong đó Hà Nội 28,634 tỷ đồng, Thái Bình 20,661 tỷ đồng, Nam Định là 23,240 tỷ đồng, Quảng Ngãi 18,300 tỷ đồng, Phú Thọ 12,958 tỷ đồng và An Giang 900 triệu đồng. Đáng chú ý, 5 năm qua, Thanh tra Tổng cục Dạy nghề mới chỉ tổ chức thanh, kiểm tra được 363 CSDN (đạt tỷ lệ 7,3%).

Sau khi có kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH xây dựng quy hoạch hệ thống trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, ban hành đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng kế hoạch và tổ chức định kỳ kiểm định chất lượng dạy nghề đối với các CSDN… Trong đó, ban hành quy định và hướng dẫn việc mua sắm thiết bị dạy nghề từ năm 2012 theo nguyên tắc đấu thầu tập trung do cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh trực tiếp thực hiện, khắc phục những vi phạm trong việc mua sắm thiết bị tại các CSDN (đặc biệt là các trung tâm dạy nghề). Thủ tướng yêu cầu các thành phố Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, An Giang, Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và xử lý những vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị dạy nghề tại các CSDN theo quy định của pháp luật. Về việc sử dụng sai nguồn vốn, sai mục đích, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan giảm trừ cấp phát vốn, hoàn trả lại dự án, thu hồi tiền chi sai quy định gần 50 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt sai phạm trong các dự án dạy nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.