Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng loạt luật mới có hiệu lực từ 1/1/2016

Theo Khánh An/Zing| 24/12/2015 20:27

Từ tháng 1/2016, nhiều luật quan trọng có hiệu lực thi hành như Luật nghĩa vụ quân sự, Luật bảo hiểm xã hội, Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch...

Luật nghĩa vụ quân sự 2015

Từ ngày 1/1/2016, Luật nghĩa vụ quân sự sẽ có hiệu lực và thay thế Luật nghĩa vụ quân sự 1981 (qua nhiều lần sửa đổi năm 1990, 1998, 2005).

Theo Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, thời gian tại ngũ trong thời bình là 24 tháng. Ảnh: Lê Quân.


Luật nghĩa vụ quân sự 2015, có nhiều điểm mới so với trước đây như quy định về công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự; các hành vi bị nghiêm cấm; người được miễn đăng ký nghĩa vụ; người được tạm hoãn gọi nhập ngũ...

Theo Luật này, thời gian tại ngũ trong thời bình là 24 tháng (trước đây là 18 tháng). Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng quyết định kéo dài thời gian tại ngũ, nhưng không quá 6 tháng.

Trong chiến tranh hay tình trạng quốc phòng khẩn cấp, nghĩa vụ quân sự sẽ thực hiện theo lệnh tổng động viên hay động viên cục bộ.

Luật bảo hiểm xã hội 2014

Được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014, Luật quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Theo quy định mới, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi từ đầu năm 2016. Tiền tính đóng bảo hiểm xã hội gồm lương và phụ cấp thay vì dựa vào bảng lương như hiện nay.

Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 mức đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.

Luật căn cước công dân 2014

Quy trình cấp thẻ CCCD khá giống với cấp CMND 12 số. Ảnh: Việt Đức.


Luật này quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cũng từ năm 2016 cùng với việc có hiệu lực của Luật, Chứng minh nhân dân thông thường sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước công dân.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 61/2015/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân. Theo đó, đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016 và thay thế Thông tư số 57/2013/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu Chứng minh nhân dân.

Luật hộ tịch 2014

Được Quốc hội ban hành ngày 20/11/2014, Luật quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; Cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch; Thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam, Luật nuôi con nuôi, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác

Nhằm tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, Luật Hộ tịch năm 2014 cũng quy định thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài sẽ giao cho UBND cấp huyện giải quyết thay vì thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như hiện nay.

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014

Ngày 26/11/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc, quyết định tăng thêm 5% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng và dịch vụ từ ngày 1/1/2016.

Cụ thể, đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, thuế suất thuế TTĐB tăng từ 65% lên 70% từ ngày 1/1/2016 và 75% từ ngày 1/1/2019; với rượu dưới 20 độ, thuế suất thuế TTĐB là 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, thuế suất thuế TTĐB cũng tăng thêm 5% lên 55% từ ngày 1/1/2016, 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018. Tương tự, mức thuế suất thuế TTĐB đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng cũng chính thức tăng lên 35% từ ngày 1/1/2016, tăng thêm 5% so với trước đây.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 được Quốc hội ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12. Trong đó đáng chú ý là quy định về thuế suất đối với 17 hàng hóa dịch vụ.

Luật tổ chức Chính phủ 2015

Luật Tổ chức Chính phủ 2015 được Quốc hội thông qua với 7 chương và 50 điều có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. So với Luật hiện hành, Luật mới đã được sửa đổi, bổ sung tương đối cơ bản, toàn diện, ví dụ như:

- Đề cao và cụ thể hóa chức năng hành pháp của Chính phủ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền; hoàn thiện cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động của Chính phủ

- Xác định rõ vị trí và tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của Thủ tướng đối với hệ thống hành chính Nhà nước

- Phân định rõ mối quan hệ giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với bộ, cơ quan ngang bộ; đổi mới chức năng của bộ, cơ quan ngang bộ

Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015

Luật này quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.

Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015.

Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015

Luật này quy định về quyền, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước, Nhân dân và các tổ chức; điều kiện bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Luật tổ chức Quốc hội 2014

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.

Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt luật mới có hiệu lực từ 1/1/2016

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.