Ngày 19-7, hàng loạt hãng hàng không và nhiều dịch vụ khác trên khắp thế giới đã rơi vào tình trạng hỗn loạn vì sự cố của dịch vụ điện toán đám mây Microsoft 365.
Theo truyền thông các nước, sự cố - được xác định là liên quan tới quyền truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ Microsoft 365 - đã làm gián đoạn các doanh nghiệp và tổ chức ở nhiều quốc gia, khiến các sân bay, hãng hàng không, công ty đường sắt, dịch vụ chính phủ, ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán, siêu thị, viễn thông, hệ thống y tế và các phương tiện truyền thông rơi vào hỗn loạn.
Sự cố cũng có liên quan tới CrowdStrike, một công ty an ninh mạng có phần mềm được sử dụng bởi các ngành công nghiệp trên khắp thế giới để bảo vệ chống lại tin tặc và các vi phạm bên ngoài.
Hệ quả của chuỗi lộn xộn này là nhiều máy tính chạy hệ điều hành Microsoft Windows gặp lỗi, với những trường hợp lỗi ban đầu được phát hiện tại Australia. Những máy tính này hiển thị màn hình xanh chết chóc (BSOD) và hoàn toàn không thể sử dụng.
Theo Al Jazeera, các hệ thống giao thông trên khắp thế giới nằm trong số những trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang nước này (FAA) cho biết, nhiều hãng hàng không lớn như Delta, United Airlines và American Airlines đã không thể thực hiện các chuyến bay vào sáng 19-7 do hệ thống liên lạc tê liệt.
Tại Australia, màn hình thông tin chuyến bay tại sân bay Sydney trở nên trắng trơn, với nhiều chuyến bay đến và đi bị chậm trễ. Tuy nhiên, giới chức sân bay này đã kịp thời kích hoạt thiết bị dự phòng và điều động nhân viên hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại. Trong khi đó, sân bay Melbourne cho biết, thủ tục check-in của một số hãng hàng không bị ảnh hưởng.
Các sân bay ở Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Malaysia và Philippines cũng đã ghi nhận tình trạng gián đoạn tương tự. Sân bay Schiphol của Amsterdam (Hà Lan), một trong những trung tâm bận rộn nhất châu Âu chứng kiến tình trạng gián đoạn chuyến bay.
Hãng hàng không Air France (Pháp) cho biết, hoạt động bị ảnh hưởng, nhưng khẳng định các chuyến bay trên trời không bị ảnh hưởng.
Cơ quan quản lý sân bay tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi sự cố ngừng hoạt động đã chuyển sang làm thủ tục thủ công và hoạt động bay không bị ảnh hưởng. Kenya Airways cho biết, dịch vụ đặt chỗ bị ảnh hưởng.
Ngoài ngành hàng không, nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố lần này.
Các ngân hàng và các tổ chức tài chính từ Australia cho đến Ấn Độ và Nam Phi đều phải phát đi cảnh báo khách hàng về việc bị gián đoạn dịch vụ.
Ngân hàng lớn nhất của Australia là Commonwealth Bank cho biết, nhiều khách hàng đã không thể chuyển tiền. Tại Anh, Sở giao dịch chứng khoán London (LSE) gặp trục trặc kỹ thuật ảnh hưởng đến dịch vụ tin tức và trì hoãn trong hiển thị các giao dịch mở.
Các công ty truyền thông cũng chứng kiến chương trình phát sóng của họ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Đài Truyền hình quốc gia Australia, Tập đoàn Phát thanh - Truyền hình Australia và Network Ten đều xác nhận rằng hệ thống của họ đã bị ảnh hưởng. Sky News, một trong những đài truyền hình tin tức lớn của Anh đã ngừng phát sóng, và phải xin lỗi vì không thể truyền hình trực tiếp.
Ở Anh, các hệ thống đặt chỗ y tế hoàn toàn tê liệt.
Các dịch vụ của một số chính phủ cũng bị ảnh hưởng.
Tại Australia, cảnh sát bang Victoria cho biết, một số hệ thống nội bộ đã bị ảnh hưởng bởi sự cố lần này, nhưng may mắn các dịch vụ khẩn cấp vẫn hoạt động bình thường. Tương tự, hệ thống máy tính của Quốc hội New Zealand cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự cố diện rộng lần này không phải hậu quả của một vụ phá hoại. Cơ quan an ninh mạng của Pháp cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy sự cố toàn cầu lần này là "kết quả của một cuộc tấn công mạng". Theo hãng tin Reuters, quan điểm này cũng được Chính phủ Anh tán đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.