Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng loạt bất cập cần giải quyết

Ngọc Quỳnh| 11/04/2016 06:34

LTS: Một trong những lỗ hổng khiến vấn đề an toàn thực phẩm trở nên khó kiểm soát là tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ diễn ra tràn lan nên không quản lý được chất lượng thực phẩm...


Bài đầu: Nghịch lý được báo trước

Từ nhiều năm nay, việc quản lý các lò giết mổ thủ công trong khu dân cư luôn là bài toán khó. Mặc dù thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp tiến tới xóa bỏ lò giết mổ tự phát nhưng đến nay các chủ lò mổ loại hình này vẫn "sống khỏe", trong khi các lò giết mổ tập trung hoạt động lay lắt... Nhưng đó lại là những nghịch lý được dự báo từ trước.

Công tác quản lý các lò giết mổ thủ công đang còn nhiều bất cập. Ảnh: Lê Quân


Nhếch nhác như lò mổ thủ công

Trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại 4 loại hình giết mổ: Tập trung công nghiệp, tập trung bán công nghiệp, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ và hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC). Trong đó, hai loại hình giết mổ thủ công nhỏ lẻ và hộ kinh doanh giết mổ chiếm số lượng lớn, là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho người tiêu dùng Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, hiện toàn thành phố có 1.482 hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ trong khu dân cư, tại các hộ chăn nuôi không bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP, ô nhiễm môi trường. Các hộ kinh doanh giết mổ hoạt động rất đa dạng, không có địa điểm cố định, một số chủ giết mổ hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, có trên 1.000 hộ kinh doanh thực hiện giết mổ tại chỗ phục vụ các thương lái đến mua. Các lò mổ này hoạt động theo mùa vụ nên không kiểm soát được chất lượng thực phẩm.

Theo Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín Nguyễn Văn Tĩnh, toàn xã Lê Lợi có trên 300 điểm giết mổ gia cầm, vào thời điểm Tết có thể lên tới 700-800 hộ, gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh cũng như đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Mục sở thị tại các hộ buôn bán gia cầm ở xã Lê Lợi cho thấy, việc giết mổ GSGC ở đây có từ nhiều năm trước và người dân buôn bán giết mổ ngay tại nhà. Khi được hỏi về việc sống chung, ăn cùng với gia cầm hằng ngày, các hộ dân đều cho rằng họ đã quen và đây là nghề kiếm sống nên dù biết ô nhiễm cũng vẫn không có sự lựa chọn nào khác. Chị Nguyễn Thị Thanh - một người dân địa phương cho biết, gia đình bán gia cầm ở khu vực này đã khoảng 15 năm và khi thương lái tới mua, nếu có nhu cầu thì họ sẵn sàng giết mổ ngay tại nơi bán. Với một nồi nước nhỏ và chiếc chậu cũ kỹ, dù không bảo đảm vệ sinh nhưng phù hợp với nhu cầu của khách nên việc giết mổ nhỏ lẻ này vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác.

Còn theo ông Hoàng Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thanh Oai, toàn huyện có khoảng 200 hộ giết mổ nhỏ lẻ hoạt động hết công suất nằm phân tán trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân của tình trạng này là chính quyền cơ sở không chỉ chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ của địa phương mà còn thiếu chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên và xử lý vi phạm trong giết mổ, kinh doanh GSGC nên các hộ giết mổ vẫn hành nghề mà không gặp bất kỳ sự quản lý nào.

Không những ở các huyện, ngay như ở quận Hà Đông, theo lộ trình đến cuối năm 2015 sẽ đưa hơn 10 hộ giết mổ nhỏ lẻ ở các phường Dương Nội, Đồng Mai ra khỏi khu vực dân cư, nhưng đến nay các lò giết mổ tạm bợ này vẫn ngày đêm hoạt động.

Lò mổ công nghiệp "đìu hiu"

Trong khi các lò giết mổ thủ công không cần kiểm dịch "sống khỏe" thì các lò giết mổ tập trung được đầu tư xây dựng khép kín trị giá hàng chục tỷ đồng lại phải nằm "đắp chiếu"... chờ khách. Theo ông Bùi Quang Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Vinh Anh, chủ cơ sở giết mổ tập trung ở huyện Thường Tín, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy với kinh phí hơn 100 tỷ đồng, công suất 600 con lợn/ngày, nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ giết mổ 60-100 con. Nguyên nhân chủ yếu là do trên địa bàn huyện vẫn tồn tại hàng trăm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác ở các xã, nên cơ sở bị "tê liệt" trong việc thu hút các hộ vào đây kinh doanh.

Cùng chung cảnh ngộ này, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền (Thanh Oai) cho biết, ngoài hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại của công ty, thực hiện chủ trương của thành phố, năm 2010 khi đưa 26 hộ giết mổ ở Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai về đây, doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng 26 ô, thời điểm đầu có khoảng hơn 10 hộ về đây, đến nay chỉ còn 5-6 hộ với số lượng 400-500 con lợn/ngày. Nguyên nhân các chủ lò giết mổ đưa ra là khu giết mổ của công ty cách xa trung tâm Hà Nội tới 25km, tính cả quãng đường đi về và giao hàng cũng phải 70km nên tốn công vận chuyển và chậm thời gian giao hàng…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, toàn thành phố có 5 cơ sở giết mổ tập trung nhưng hoạt động cầm chừng, chỉ phát huy được 10-15% công suất thiết kế. Nguyên nhân chính là do các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó là thiếu sự hỗ trợ về chế biến sau giết mổ vì các lò mổ công nghiệp như Vinh Anh, Minh Hiền, Foodex... đã được thành phố hỗ trợ theo Quyết định 77 để đầu tư các hạng mục xử lý nước thải nên không được hỗ trợ sau đầu tư theo Quyết định 16. Vì vậy, chưa tạo được chuỗi liên kết sản phẩm từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Thực tế, việc đầu tư cơ sở tập trung quá lớn, gấp 50 lần so với xây dựng cơ sở bán công nghiệp, dẫn tới chi phí giết mổ cao, trong khi giết mổ nhỏ lẻ vẫn hoạt động mạnh.

Theo chị Nguyễn Thị Ngân, hộ giết mổ ở Vạn Phúc (Thanh Trì), chi phí giết mổ ở lò mổ công nghiệp cao hơn 2-3 lần so với giết mổ bán công nghiệp hoặc nhỏ lẻ nhưng giá bán cho thương lái thì không thay đổi. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa có thói quen dùng thịt đông lạnh hoặc thịt bảo quản mát nên hầu như các hộ giết mổ vẫn thực hiện theo phương thức cũ để giảm chi phí và tiện lợi với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt bất cập cần giải quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.