Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng không thế giới rối loạn

Thùy Dương| 08/11/2015 07:04

(HNM) - Ngay sau thảm kịch A321 của Nga, Anh, Hà Lan, Đức và Ireland cũng đã quyết định ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ sân bay Sharm el-Sheikh.

Một bức ảnh chụp mảnh vỡ máy bay A321 với những vết rỗ bên trong thân máy bay, có khả năng do bom phát nổ bên trong máy bay gây ra.


Hãng tin AFP (Pháp) ngày 7-11 cho biết, theo kết quả phân tích sơ bộ hộp đen, các bộ phận ghi dữ liệu bay và ghi âm chuyến bay cho thấy "mọi thứ hoàn toàn bình thường" tới khi cả hai bộ phận này ngừng hoạt động ở phút thứ 24 sau khi máy bay cất cánh từ khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh. Điều đó cho thấy nhiều khả năng đã có "sức ép từ một vụ nổ bất ngờ".

Nguồn tin nhấn mạnh dữ liệu này "củng cố mạnh mẽ" giả thuyết rằng một quả bom phát nổ trên máy bay khiến nó bị rơi. Trước đó, Kênh truyền hình France 2 (Pháp) đưa tin dữ liệu thu được từ hộp đen máy bay cho thấy đã xảy ra một vụ nổ trên chuyến bay xấu số này và vụ nổ không liên quan việc động cơ bị hỏng. Trong khi đó, những hình ảnh chụp xác chiếc máy bay A321 cho thấy rất có khả năng máy bay bị cài bom.

Tờ Komsomolskaya Pravda của Nga đã cho đăng tải những bức ảnh chụp xác chiếc Airbus A321 với những vết rỗ trên thân máy bay "trông giống như do những mảnh bom gây ra," và cho biết thêm rằng có những lỗ thủng khác trên các bộ phận của máy bay có hướng xuyên từ trong ra ngoài. "Những cái lỗ này có thể là do những viên bi kim loại mà các phần tử khủng bố hay dùng để chế tạo bộ phận gây sát thương trong những quả bom gây ra", tờ Pravda nhận định. Giả thuyết này càng được củng cố qua một cuộc phỏng vấn với CBS News mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng "có khả năng" có một quả bom trên chiếc máy bay chở khách A321.

Khi mọi thông tin còn chưa rõ ràng thì tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã công bố một đoạn video chưa được kiểm chứng mà chúng cho là ghi lại giây phút cuối của chiếc máy bay Nga xấu số khi bị bắn rơi. Kèm với hình ảnh một vật thể lớn có hình dạng như một chiếc máy bay đang bay trên trời bỗng bốc khói đen và lao xuống đất, IS tuyên bố chính chúng đã "phá hủy" chiếc Airbus A321, song không nhắc tới cách thức thực hiện.

Ngay sau khi đoạn băng được công bố, Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail khẳng định các lực lượng phiến quân không đủ khả năng bắn hạ máy bay chở khách ở độ cao tới 9.000 mét. Các chuyên gia an ninh và điều tra viên hàng không cũng cho rằng khó có khả năng máy bay bị rơi vì chịu lực tác động từ bên ngoài và các phần tử có vũ trang nổi dậy tại bán đảo Sinai cũng không sở hữu công nghệ đủ hiện đại để bắn hạ một chiếc máy bay đang ở độ cao như vậy. Tuy nhiên, một quan chức trong lĩnh vực hàng không tại Nga mới tiết lộ rằng cuộc điều tra đang đi theo hướng có khả năng một vật được mang lên máy bay đã gây ra thảm họa.

Trong bối cảnh này, ngày 6-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý đề nghị đình chỉ tất cả các chuyến bay của Nga tới Ai Cập. Ông V.Putin đã đưa ra quyết định trên sau khi ông Alexander Bortnikov, người đứng đầu cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB), khuyến cáo Nga nên đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách tới Ai Cập cho tới khi xác định được chính xác nguyên nhân của vụ tai nạn. Việc hủy các chuyến bay làm ảnh hưởng tới khoảng 50.000 du khách Nga đang mắc kẹt tại Sharm el-Sheikh.

Ngay sau thảm kịch A321 của Nga, Anh, Hà Lan, Đức và Ireland cũng đã quyết định ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ sân bay Sharm el-Sheikh. Anh đã bắt đầu triển khai các hoạt động để đưa khoảng 20.000 khách du lịch nước này bị mắc kẹt tại khu du lịch nổi tiếng này qua trạm trung chuyển là hai sân bay ở Đảo Síp về nước. Cùng thời điểm này, Mỹ thông báo sẽ tăng cường kiểm tra an ninh các chuyến bay từ một số sân bay ở khu vực Trung Đông tới Mỹ như một biện pháp phòng ngừa sau vụ máy bay Nga gặp nạn ở Ai Cập. Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đề nghị triển khai các biện pháp kiểm tra an ninh tại các sân bay nội địa như: tăng cường soi chiếu hành lý, có thể gồm việc đối chiếu hành lý khai báo trước giờ cất cánh.

Chưa có một kết luận chính xác nào tới khi hộp đen được giải mã. Tuy nhiên, vụ việc đã gây rối loạn hàng không thế giới khi hầu hết các đường bay qua Sinai đều đã bị ngừng hoặc thay đổi vì lý do an ninh. Thảm họa cũng đã giáng một đòn mạnh vào ngành Du lịch Ai Cập, vốn là một trụ cột của nền kinh tế đang phải vật lộn để phục hồi sau nhiều năm biến động chính trị, cũng như phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi rằng chính quyền Cairo đã kiểm soát được các cuộc nổi loạn tại Sinai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng không thế giới rối loạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.