Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hàng hiệu” ế ẩm, “bình dân” lên ngôi

Thùy Linh| 23/04/2014 06:46

(HNM) - Kinh tế khó khăn buộc người dân thắt chặt chi tiêu hoặc thay đổi thói quen tiêu dùng khiến hàng loạt trung tâm thương mại hạng sang tiếp tục lâm vào cảnh ế ẩm.

Hàng hiệu -Không tin được

Có thể thấy tình cảnh ế ẩm hiện rõ ở các TTTM lớn như Diamond, Cresent Mall… khi hàng loạt thương hiệu trưng bày giảm giá sản phẩm 20%, 30%, 50%, thậm chí 70% nhưng người đến vui chơi xem hàng đã ít và người mua còn ít hơn. Chị Hồng Loan, bán hàng mỹ phẩm ở TTTM Parkson cho biết, mỗi ngày chỉ có một vài người khách ghé mua hàng, dù cửa hàng liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm tăng sức mua.

Các quầy hàng sang trọng ở TTTM lâm cảnh người bán nhiều hơn người mua.


Nguyên nhân được cho là kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm chi phí cho hàng xa xỉ. Tuy nhiên, trên thực tế, lý do này chỉ góp một phần trong sự ế ẩm của các TTTM lớn, còn một lý do khác khiến những người tiêu dùng giàu có cũng lắc đầu với hàng xa xỉ. Là người chuyên sử dụng các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, chị Tuyến (quận Bình Thạnh) cho biết gần như không mua hàng hiệu ở Việt Nam. Lý do là giá cả hàng hiệu ở Việt Nam quá đắt, trong khi chất lượng kém và không nhiều mẫu mã, thậm chí còn có cả hàng giả trà trộn vào các TTTM nổi tiếng. Chị Tuyến kể, chị mua một đôi dép quai kẹp hiệu Bonia ở TTTM Parkson giá những 3,7 triệu đồng, trong khi đó tại Malaysia cũng một đôi như vậy giá chỉ khoảng 600.000 đồng. Bên cạnh đó, hàng hiệu ở Việt Nam không nhiều mẫu mã do các nhà phân phối đã mang về rất nhiều mẫu cũ không còn hợp thời trang, hàng sale (giảm giá) ở nước ngoài để có giá rẻ. "Không cần đi đâu xa, chỉ cần sang Singapore là có hàng ngàn mẫu hàng đẹp để chọn lựa nên tôi không mua hàng ở Việt Nam, chỉ khi cần mới vào Dimond mua vài món", chị Tuyến nói. Theo khách hàng này, mỗi đơn hàng chị mua từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Chị Hạnh (quận Tân Phú) cũng là một tín đồ thời trang cho biết, mỗi khi muốn mua sắm chị lại sang Singapore, vì tính cả tiền vé máy bay và mua sắm ở Singapore cũng không đắt hơn mua hàng hiệu ở Việt Nam là bao nhiêu, lại còn được đi du lịch.

Hàng bình dân đắt khách

Trong khi các TTTM lớn ế ẩm thì các TTTM bình dân như Saigon Square, Taka Plaza… luôn đông khách, nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật luôn gặp phải cảnh chen lấn lựa hàng.

Theo các khách hàng, họ chuộng các nơi này bởi được giá cả bình dân mà nhiều mẫu mã đẹp được nhập ngoại từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc... hoặc hàng sản xuất tại Việt Nam với mẫu mã được "bắt chước" các hãng thời trang lớn như Mango, Gucci, Guess… khá bắt mắt. Giá áo thun, áo sơ mi "hàng hiệu" có mức giá dao động từ 150.000 đến 250.000 đồng/áo; quần Jeans có giá 150.000 - 350.000 đồng/quần; đầm, váy cũng chỉ phổ biến mức 200.000 - 350.000 đồng/bộ…

Chị Hòa, chủ một ki ốt ở lô B trong Taka Plaza cho biết những ngày thường lượng khách cũng ít, tuy nhiên ngày thứ bảy, chủ nhật khách đông nghịt tiếp không ngơi tay. Theo chị Hòa, sở dĩ hàng hóa bán được vì chất lượng tốt, giá lại phải chăng. "Tiền thuê ki ốt trong các TTTM bình dân giá rẻ hơn, chẳng hạn như quầy hàng khoảng 6m2 của tôi giá thuê 8 triệu đồng mỗi tháng, rẻ rất nhiều so với các TTTM lớn nên giá bán sản phẩm giảm. Mỗi sản phẩm tôi chỉ lãi khoảng 20.000 - 30.000 đồng, bán lấy số lượng nhiều từ đó lợi nhuận tăng theo", chị Hòa nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài lý do kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho hàng xa xỉ thì “miếng bánh” thị phần của các TTTM còn phải chia sẻ cho hình thức mua bán trực tuyến đang gia tăng. Thế nên, để tăng doanh thu, thu hút khách hàng đến mua sắm thì các TTTM cần nhiều sản phẩm hơn, đặc biệt cần mở rộng ra nhiều mặt hàng ẩm thực, trò chơi và xu hướng này cần thực hiện ở cả phân khúc khách hàng có thu nhập cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hàng hiệu” ế ẩm, “bình dân” lên ngôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.