Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng giả, hàng nhái "luồn lách" qua đường chính ngạch, chuyển phát nhanh

Lam Giang| 28/07/2022 16:41

(HNMO) - Nếu như trước đây, hàng giả, hàng nhái tập trung ở nhóm mỹ phẩm, đồ gia dụng… thì gần đây, xăng, dầu giả, kém chất lượng khá phổ biến. Bên cạnh đó, hàng giả được chuyển phát nhanh công khai, đồng thời dễ dàng được đặt hàng, mua bán qua thương mại điện tử…

Thông tin trên được ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đưa ra tại tọa đàm với chủ đề: “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại” do Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 28-7, tại Hà Nội.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ mật ong giả tại huyện Hoài Đức, tháng 6 vừa qua.

Xăng, dầu giả, kém chất lượng khá phổ biến

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 30.000 trường hợp; xử lý hơn 17.300 vụ vi phạm; phạt vi phạm hành chính hơn 113 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ việc.

“Một năm trở lại đây, xăng, dầu giả, kém chất lượng trên thị trường khá phổ biến. Gần đây, lực lượng quản lý thị trường cũng đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ việc sản xuất phân bón giả, đối tượng sử dụng đất và xỉ để làm phân bón bán ra ngoài thị trường”, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin. 

Ngoài ra, theo ông Linh, gian lận trên thương mại điện tử rất “nóng”, không ít đối tượng vận chuyển hàng giả công khai thông qua chuyển phát nhanh. Hay như giao dịch trên thương mại điện tử khá thuận tiện là môi trường cho hàng giả, hàng không rõ xuất xứ… dễ dàng được giao dịch, trao đổi. Việc thẩm lậu hàng giả vào trong thị trường nội địa rất phức tạp, thay vì thông qua các đường mòn, lối mở như trước đây, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách đưa hàng giả, hàng nhái vào qua kênh chính ngạch.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin thêm, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng từ 25-30%. Tuy nhiên, đi kèm với đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng như các chiêu trò lừa đảo trên môi trường trực tuyến gia tăng do đặc thù người mua, người bán không gặp trực tiếp. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu, thiếu phối hợp với cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả, hàng nhái. Hiện các sàn thương mại điện tử sử dụng công nghệ để lọc hàng giả, hàng nhái, song người bán sử dụng nhiều thủ đoạn để “qua mặt” nên vẫn chưa triệt để. Ngoài ra, vẫn còn không ít người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái mà vẫn sử dụng.

Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Đồng bộ giải pháp

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái được dự báo sẽ còn diễn ra phức tạp, tinh vi, trên quy mô lớn, đòi hỏi cần thực hiện những giải pháp đồng bộ. Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, cần tăng cường truyền thông để người dân nhận diện và tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm.

Là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ uống, ông Phạm Quốc Lộc, Giám đốc Nhà máy URC Hà Nội cho hay, doanh nghiệp luôn đặt quyền lợi khách hàng lên trên, do đó tích cực truyền thông để người tiêu dùng nắm rõ nhãn hàng chính hãng của URC.

“Thông qua những kênh truyền thông như hotline, fanpage, website của mình, chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông tin và nhận được những phản hồi của khách hàng về sản phẩm và nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng xử lý khi phát hiện hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, doanh nghiệp còn áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất bao bì, nhãn mác để ngăn chặn các đối tượng làm giả”, ông Phạm Quốc Lộc nói.

Trong nhiều giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu, Trưởng ban Luật Dân sự, Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng nhấn mạnh, doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu với nhãn hiệu, sáng chế… thông qua đăng ký với cơ quan chức năng. Đồng thời, phối hợp tốt với cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp hàng giả, hàng nhái thương hiệu của mình. 

Để việc chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả hơn, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, trước hết. cần sửa đổi, bổ sung các quy định, chế tài xử lý buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đưa ra mức xử phạt cao hơn nữa để đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường các giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…, trong đó trọng tâm là trên môi trường thương mại điện tử.

Về truyền thông, Tổng cục Quản lý thị trường đã có nhiều đổi mới, đa dạng hình thức phổ biến thông qua các kênh mạng xã hội, đặc biệt là tổ chức phòng trưng bày để giúp người dân phân biệt hàng thật, hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng giả, hàng nhái "luồn lách" qua đường chính ngạch, chuyển phát nhanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.