Một hang động của Pháp có những hình vẽ được người tiền sử khắc lên vách đá với niên đại lên tới hơn 30.000 năm tuổi đã được đệ trình lên UNESCO xem xét vinh danh là Di sản Thế giới.
Tổng cộng có hơn 30 địa danh, bao gồm đường mòn Inca (của 6 quốc gia Nam Mỹ), thành lũy Arbil (Iraq), giếng Rani-ki-Vav (Ấn Độ)…, sẽ được hội đồng UNESCO cân nhắc xét duyệt. Cuộc gặp của hội đồng UNESCO diễn ra từ ngày 15-25 tháng này tại thành phố Doha, Qatar.
Việc được xét duyệt là Di sản Thế giới sẽ góp phần hỗ trợ kinh tế một cách đáng kể cho công tác bảo tồn một địa danh vì ngay lập tức, lượng khách du lịch đổ về đó sẽ tăng lên nhiều lần.
Đặc biệt, đường mòn Inca - con đường mòn dài hơn 30.000 km, trải qua 6 quốc gia - nếu được công nhận sẽ có vai trò thúc đẩy du lịch không chỉ cho một mà cả 6 quốc gia, bao gồm Argentina, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru.
Về hang động Chauvet nằm ở miền Nam nước Pháp, nơi đây có những bức tranh khắc lên vách đá đầu tiên của loài người, với niên đại hơn 30.000 năm tuổi. Hang động này có hơn 1.000 bức vẽ cổ, khắc họa những sự vật thường ngày mà người tiền sử đã trông thấy, thường là các loài động vật hoang dã.
Hang động này đã vô tình bị tự nhiên đóng kín sau khi một vụ sụt lún xảy ra khiến đất đá chặn kín cửa hang từ 20.000 năm trước. Hang động Chauvet hoàn toàn không được biết tới cho tới năm 1994, nó mới được phát hiện trở lại. Hiện có những khu vực người ta vẫn chưa tới khám phá được nhưng tin chắc rằng ở đó còn có thêm những bức vẽ khác nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.