Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng chục cây cầu… kêu cứu!

Hà Tuấn| 06/10/2012 07:32

(HNM) - Sở GTVT TP vừa đưa ra danh sách 36 cây cầu yếu cần được sửa chữa, nâng cấp. Đã có nhiều cảnh báo về các cây cầu trong tình trạng quá tải, nguy cơ sập bất cứ lúc nào, nhưng hiện nay số tiền TP rót xuống cũng chỉ dừng lại ở việc duy tu, bảo dưỡng. Còn việc đại tu hay thay mới thì có lẽ chờ… cầu gần sập mới hy vọng cơ quan chức năng vào cuộc.

Vết nứt dài trên mố cầu Kiệu (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận).

Cầu nứt, hở, chờ sập…

Ghi nhận của PV ở một số vị trí trên gối cầu, nơi tiếp nối giữa mặt cầu và trụ của cầu Bông (đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1) đã xuất hiện tình trạng nứt. Có chỗ các gối cầu hở cách trụ cầu 10cm-20 cm, làm cho cầu luôn trong trạng thái rung lắc mỗi khi xe tải chạy qua. Tương tự, tại cầu Kiệu (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận), chỗ tiếp nối giữa cầu với đường xuất hiện các vết nứt dài đến cả mét. Các kết cấu nhịp thép hầu như đều bị hoen gỉ, bên trên mặt cầu có nhiều điểm lún gồ ghề, khiến xe cộ khi lưu thông luôn phải dè chừng.

Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP Hồ Chí Minh (Khu 2) cho hay: "Cầu yếu rất phổ biến bởi hầu hết đều được xây dựng trước năm 1975. Ngoài áp lực về tải trọng, hiện ngân sách TP phân bổ xuống chỉ phục vụ cho việc duy tu cầu. Trong khi ở một số cầu như Giồng Ông Tố (quận 2), Ông Dầu (Thủ Đức)… cần xây dựng mới toàn bộ nhưng không lấy đâu kinh phí!".

"Nước đến chân mới nhảy"

Hiện nay đối với công tác nâng cấp hạ tầng cầu đường có 3 dạng gồm: sửa chữa thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Thế nhưng phần lớn các công trình cầu trên địa bàn TP chỉ dừng lại ở việc sửa chữa thường xuyên và định kỳ (công tác duy tu, bảo dưỡng), còn đột xuất (tình thế bắt buộc phải đại tu hoặc thay mới) chỉ đếm đầu ngón tay. "Hiện nay, trên địa bàn Khu 2 quản lý có 126 cầu và 80 con đường. Tuy nhiên kinh phí TP rót xuống cũng chỉ dừng lại ở duy tu, bảo dưỡng với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu thực tế, chưa nói tiền đại tu, thay mới… Thực tế chỉ còn chờ khi nào cầu xuống cấp nghiêm trọng và cảnh báo nguy cơ sập thì may ra TP mới cấp kinh phí đột xuất để làm!" - Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu 2 phản ánh.

Theo cơ quan chức năng, điển hình của tình trạng trên là cầu Đúc Nhỏ (quốc lộ 13, quận Thủ Đức) từ lâu đã hư hỏng nghiêm trọng với nhiều vết nứt kết cấu dầm cầu, nứt mố cầu, nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên Khu 2 chỉ tiến hành hạ tải từ 18 tấn xuống 15 tấn. Sau đó, tình trạng xe tải, xe container chở hàng có trọng tải 20 đến 30 tấn vẫn hằng ngày đi qua khiến cây cầu lâm nguy. Đến lúc này, TP mới cho phép Khu 2 tiến hành phương án thay thế. Dự kiến cuối năm nay cây cầu này với tên mới là cầu Cống Hộp sẽ hoàn thành.

Tương tự, tại cầu Bình Triệu 1 (nối quận Thủ Đức với Bình Thạnh), chỉ đến khi các phương tiện truyền thông cảnh báo nguy cơ bị sập thì TP mới giao Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP tiến hành nâng cấp toàn bộ. Thậm chí đến cây cầu quan trọng nhất ở cửa ngõ phía đông của TP là cầu Sài Gòn, chỉ đến khi bị rung lắc mạnh do quá sức "gánh" gấp 3-4 lần tải trọng thì TP mới rót vốn để đại tu toàn bộ công trình (hoàn thành cuối năm 2011).

Giải pháp?

Trước tình trạng hàng chục cây cầu thiết yếu của TP ngày một xuống cấp, Sở GTVT TP vừa kiến nghị UBND TP kiểm tra, rà soát và đưa vào danh mục các công trình cầu yếu trên hệ thống đường bộ đang khai thác cần sửa chữa nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới nhằm bảo đảm ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường tuần tra, giám sát công tác bảo dưỡng theo tiêu chuẩn kỹ thuật 22TCN 306-03 (bảo dưỡng thường xuyên đường bộ). Thanh tra Sở cũng phối hợp cùng lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, kiên quyết xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm lưu thông quá tải trọng, quá khổ giới hạn cầu, đường bộ.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời và không giải quyết tận gốc vấn đề. Theo Thạc sĩ Phạm Sanh (nguyên giảng viên ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh), để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới TP cần khuyến khích các công ty xây dựng công trình cầu đường bộ tư nhân tham gia việc nâng cấp các cầu yếu, vừa san sẻ khó khăn về vốn, vừa bảo đảm về mặt thời gian.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng chục cây cầu… kêu cứu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.