Sử dụng các chất phụ gia trong chế biến, bảo quản thực phẩm ở một chừng mực nào đó là cần thiết, giúp tạo ra những sản phẩm thực phẩm hấp dẫn, phù hợp khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, những chất phụ gia như hàn the lại có thể là nguy cơ của ngộ độc và bệnh tật, thậm chí gây ung thư nếu như sử dụng quá mức quy định.
Xét nghiệm xác định vệ sinh các loại nước giải khát Ảnh: TTXVN
Mặc dù đã bị cấm sử dụng, nhưng qua những đợt thanh, kiểm tra thời gian qua vẫn phát hiện còn nhiều mặt hàng bánh xu xê bày bán ở phố Hàng Than, giò chả ở các chợ có sử dụng hàn the. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại. Cả người sản xuất, kinh doanh và người mua dường như vẫn “điếc không sợ súng”.
Hàn the (borat natri) được dùng để sát khuẩn trong chế biến, bảo quản thực phẩm, làm ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, giữ cho thực phẩm lâu hỏng. Hàn the còn làm cứng các mạch peptid, mạch amylose và làm cho khả năng phân hủy protein thành các acid amin cũng như khả năng phân hủy amylose thành glucosechậm đi nên người ta sử dụng hàn the để cho thực phẩm được dẻo, dai, cứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy, hàn the có khả năng tích tụ trong cơ thể gây tổn thương và thoái hóa cơ quan sinh dục, tổn thương hệ thần kinh trung ương, gan, tim, thận, ruột. Trẻ em ăn phải sữa có bảo quản bằng hàn the ở hàm lượng 1-2 gam/kg thể trọng sẽ bị chết trong vòng 7-10 giờ đồng hồ tùy theo khối lượng hấp thụ. Còn người lớn ăn phải thực phẩm có dư lượng hàn the sẽ thấy khó tiêu, nếu tích lũy trong cơ thể dễ gây ung thư... Ước tính có tới 50% trường hợp ngộ độc cấp tính (xảy ra sau khi ăn 5 giờ với triệu chứng nôn, co giật, nhịp tim nhanh, hôn mê) có thể dẫn đến tử vong.
Những tác hại của hàn the đã rõ ràng như vậy nhưng người sản xuất và kinh doanh vì lợi nhuận vẫn coi thường sức khỏe của người tiêu dùng. Đại bộ phận người tiêu dùng đều lo ngại khi mua thực phẩm sử dụng hàn the và họ mong muốn có thực phẩm an toàn, không dùng hàn the nhưng vẫn bảo đảm độ dai giòn, phù hợp khẩu vị Việt Nam. Cách đây 3 năm, Phòng nghiên cứu Polyme-dược phẩm thuộc Viện Hóa đã phối hợp với Sở Thương mại nghiên cứu ứng dụng thành công việc đưa chất phụ gia PDP (có nguồn gốc từ thiên nhiên, được tách chiết từ vỏ các loại giáp xác như tôm, cua, sò, mai mực và một số loài tảo, màng tế bào nấm...) vào chế biến thực phẩm. PDP là chất rắn, xốp, nhẹ, màu trắng ngà không mùi vị, hòa tan dễ dàng trong các dung dịch axit loãng đã được ứng dụng trong 3 năm qua, có khả năng thay thế hàn the để chế biến, bảo quản các loại thực phẩm như giò, chả, nem chua, bún, bánh phở, bánh đa nem, bánh xu xê, nước mắm, dấm, kem, sữa chua, bánh quy, bánh gatô, thực phẩm nguội... Phụ gia này có tính kháng nấm, kháng khuẩn giúp thức ăn lâu bị ôi, thiu. Sản phẩm sử dụng PDP có vị thơm, giòn, dẻo và không chát như dùng hàn the. Ngoài ra, về tính chất sinh học, PDP còn có tác dụng làm giảm cholesterol và lipit máu, hạ huyết áp, chống rối loạn nội tiết... Với khả năng thúc đẩy hoạt động của các peptide-insulin, kích thích việc tiết ra insulin ở tuyến tụy nên PDP đã được dùng để điều trị bệnh tiểu đường. Thậm chí, với khả năng kháng đột biến, PDP còn kích thích làm tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể, khôi phục bạch cầu, hạn chế sự phát triển của tế bào u, ung thư, HIV/AIDS, chống tia tử ngoại, chống ngứa...
Để bảo đảm sức khỏe cộng đồng, mong rằng các nhà sản xuất và kinh doanh nên chú ý sử dụng những loại phụ gia đã được nghiên cứu, kiểm nghiệm kỹ về chất lượng. Đồng thời các cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền nâng cao hiểu biết về các quy định hiện hành trong lĩnh vực này cho các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phụ gia thực phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm thực sự an toàn. Đối với những cơ sở vẫn cố tình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có sử dụng hàn the, cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn, thậm chí là thu hồi giấy phép hoạt động... thì mới mang lại hiệu quả.
Đức Trung
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.