(HNM) - Chưa đầy nửa tháng sau chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tới Trung Đông, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lại tiếp nối hành trình đến với miền đất của những giếng dầu nổi tiếng thế giới này.
Chặng dừng chân cuối cùng tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày hôm nay (10-2) với một loạt hoạt động tiếp xúc song phương, đang mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế xứ Kim chi trong cuộc đua kiếm tìm nguồn năng lượng mới thay thế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung chủ yếu từ Iran.
Saudi Arabia nhất trí sẽ bảo đảm nguồn cung dầu mỏ cho nền kinh tế Hàn Quốc thời gian tới. |
Mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ - với Hàn Quốc đã có cơ sở trở thành hiện thực. Ngay chặng dừng chân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ - chiếm gần nửa thời gian chuyến công du 8 ngày ở Trung Đông - Tổng thống Lee Myung-bak đã nhận được "cái gật đầu" đầy hứa hẹn của Thủ tướng nước chủ nhà Tayyip Erdogan với việc sẽ hoàn tất ký kết Hiệp định Tự do thương mại song phương vào nửa đầu năm nay. Tín hiệu lạc quan này sẽ góp phần tích cực cho nền kinh tế Hàn Quốc, mở đường cho các công ty của nước này xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu qua cánh cửa Thổ Nhĩ Kỳ. Song, quan trọng hơn với Seoul là việc hai nước nhất trí nối lại đàm phán một dự án trị giá 20 tỷ USD để xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân trên bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này từng được hai bên xúc tiến bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Cannes (Pháp) năm 2011, mà theo đó Hàn Quốc sẽ tham gia đầu tư các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar và UAE tiếp tục là những điểm dừng chân trong hành trình đến với Trung Đông của Tổng thống Lee Myung-bak. Có nhiều lý do khiến Tổng thống Hàn Quốc chọn Trung Đông để thực hiện chuyến công du này. Nếu như Saudi Arabia là nước cung ứng dầu thô lớn nhất cho Hàn Quốc - chiếm khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu của nước này thì Qatar và UAE trở thành nhà cung ứng dầu thô lớn thứ ba và thứ năm của Hàn Quốc. Vì thế, thành công lớn trong chuyến công du của Tổng thống Lee Myung-bak là nhận được sự hậu thuẫn từ lãnh đạo các quốc gia tại khu vực giàu năng lượng của thế giới trước mục tiêu kiếm tìm nguồn cung dầu mỏ mới thay thế của Hàn Quốc. Lời hứa bảo đảm này càng có ý nghĩa hơn khi Hàn Quốc là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ năm thế giới, trong đó khoảng 87% lượng dầu nhập khẩu của nước này đến từ Trung Đông.
Năm 2012 vẫn là năm khó khăn với nền kinh tế Hàn Quốc khi Bộ Tài chính nước này dự báo lạm phát sẽ tăng ở mức 3,2% như mọi năm, trong khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho rằng lạm phát có thể ở mức 3,3%. Khi cơn khát năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế chưa dứt, việc giảm nguồn nhập khẩu dầu từ Iran có thể dẫn đến tình trạng gia tăng giá dầu trong nước cũng như gây khó khăn cho Hàn Quốc trong việc kiềm chế lạm phát. Mặc dù Hàn Quốc chưa cắt giảm nhập dầu thô từ Iran để ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Tehran khi Seoul là đồng minh gần gũi của Mỹ và phương Tây. Đối với nền kinh tế Hàn Quốc, việc giảm nguồn nhập khẩu dầu từ Tehran chiếm 10% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Hàn Quốc hiện nay sẽ khiến nền kinh tế nước này đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, những cam kết vừa được các nhà lãnh đạo Trung Đông đưa ra không chỉ giúp Hàn Quốc phần nào giải tỏa cơn khát năng lượng mà còn góp phần duy trì sự ổn định của nền kinh tế thời gian tới.
Cùng với năng lượng, hợp tác thương mại, kinh tế, y tế, công nghệ thông tin… chuyến công du của Tổng thống Lee Myung-bak tới Trung Đông còn mang ý nghĩa khác. Đó là khẳng định sự hiện diện nhiều hơn nữa của Hàn Quốc ở khu vực vốn là lãnh địa của các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU)... Điều này không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung dầu mỏ ổn định cho nền kinh tế Hàn Quốc mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai với khu vực giàu tiềm năng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.