(HNM) - Chính trường Hàn Quốc lại vừa chứng kiến sự thay đổi lớn khi ông Chung Un-chan - Thủ tướng thứ hai liên tiếp dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak - phải
Ý tưởng chuyển thủ đô về thành phố Sejong đang gây tranh cãi tại Hàn Quốc. |
Không quá bất ngờ, song cuộc ra đi chóng vánh của Thủ tướng Chung Un-chan vẫn để lại cho Tổng thống Lee Myung-bak gánh nặng cải tổ nội các cũng như khó khăn trong tạo dựng uy tín khi những bất đồng giữa Quốc hội và Chính phủ chưa hẳn đã chấm dứt.
Những tranh cãi xung quanh việc nên hay không nên dời đô từ Seoul đến thành phố Sejong - cách thủ đô Seoul 150km về phía nam - giữa đảng Đại dân tộc (GNP) cầm quyền với các đảng đối lập, thậm chí ngay trong nội bộ GNP của Tổng thống Lee Myung-bak đã trở thành chủ đề nóng dài kỳ trong nhiều tháng qua. Xuất phát từ ý tưởng xây dựng Sejong thành trung tâm hành chính của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, năm 2003 Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết chuyển thủ đô từ Seoul tới thành phố Sejong. Tuy nhiên một năm sau, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết không thay đổi thủ đô và Tổng thống Roh Moo-hyun khi đó đã sửa đổi kế hoạch theo hướng di chuyển trụ sở làm việc của các cơ quan chính phủ đến thành phố này.
Sau khi nhậm chức năm 2008, Tổng thống Lee Myung-bak đã bắt tay chỉnh sửa dự án "dời đô" theo hướng giữ nguyên thủ đô là Seoul và tháng 1-2010, nội các Hàn Quốc đã công bố kế hoạch phát triển thành phố Sejong sửa đổi. Theo đó, Seoul vẫn là thủ đô, nhưng Hàn Quốc sẽ đầu tư phát triển Sejong thành một trung tâm kinh tế, với tổng mức đầu tư tương đương 14,6 tỷ USD. Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi nảy lửa, dự án trên của Tổng thống Lee Myung-bak đã bị Quốc hội bác bỏ hôm 29-6 vừa qua.
Sự kiện cơ quan lập pháp Hàn Quốc bác bỏ dự luật sửa đổi đắt giá nêu trên đã không chỉ ảnh hưởng đến uy tín nội các, mà còn cho thấy khoảng trống khó khỏa lấp giữa hai cơ quan quyền lực cao nhất Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay. Việc Thủ tướng Chung Un - chan - người đi đầu trong kế hoạch sửa đổi dự án thành phố Sejong - phải ra đi được dự báo như một tất yếu nhằm giúp Chính phủ tạo dựng sự đoàn kết trong dân chúng. Song vấn đề khiến dư luận quan tâm hiện nay, đó là lãnh đạo GNP cầm quyền sẽ giải quyết vấn đề Sejong như thế nào khi mọi tranh cãi đã kết thúc sau quyết định trên của Quốc hội.
Uy tín nội các của Tổng thống Lee Myung-bak bị suy giảm không còn là dự báo. Việc GNP cầm quyền bất ngờ thất bại trong cuộc bầu cử địa phương tháng 6 vừa qua - vốn được xem như cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak - là cuộc "sát hạch" rõ nhất. Mặc dù kết quả bầu cử địa phương không ảnh hưởng tới việc GNP kiểm soát Quốc hội, nhưng chiến thắng của Liên minh Dân chủ (DP) đối lập có khả năng ảnh hưởng nhiều đến chính sách trung hạn của chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak và phần nào cho thấy xu hướng của cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012.
Trong bối cảnh "mặt trận" đối nội đang hết sức nóng bỏng thì căng thẳng không ngừng leo thang trong quan hệ liên Triều sau vụ đắm tàu chiến Cheonan đang là thách thức không nhỏ với Tổng thống Lee Myung-bak trên "mặt trận" đối ngoại. Làm thế nào để dung hòa mối quan hệ với quốc gia láng giềng Triều Tiên đang nóng lên thật không đơn giản.
Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ nần đang lan rộng tại nhiều đầu tàu kinh tế thế giới cũng như những thách thức trên hai "mặt trận" đối nội và đối ngoại, kinh tế Hàn Quốc vẫn khởi sắc khi Bộ Chiến lược và tài chính dự kiến kinh tế nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 7,2% trong 6 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức dự báo 5,7% trước đó, nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều tăng. Hy vọng những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực kinh tế sẽ là động lực giúp nội các của Tổng thống Lee Myung-bak vượt qua thách thức đã quá rõ trên cả hai "mặt trận".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.