(HNM) - Chính trường Hàn Quốc đang nóng lên từng ngày khi cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 19-12 tới đang đến gần. Sự kiện nữ nghị sĩ đảng Thế giới mới (Saenuri) cầm quyền Park Geun-hye vừa chính thức tuyên bố ra tranh cử, trở thành đối thủ của đương kim Tổng thống Lee Myung-bak đã khiến cuộc đua giành chiếc ghế chủ nhân Nhà Xanh - phủ Tổng thống Hàn Quốc - thêm sôi động.
Nữ nghị sĩ Park Geun-hye (giữa) là ứng cử viên sáng giá cho chức tổng thống Hàn Quốc trong cuộc bầu cử sắp tới.
Từng thất bại trước Tổng thống Lee Myung-bak trong nỗ lực giành đề cử ứng viên tổng thống của đảng Saenuri năm 2007, nhưng nghị sĩ Park Geun-hye được giới chính trị ở Seoul đánh giá cao so với các ứng viên khác. Được mệnh danh là "nữ hoàng bầu cử", nữ nghị sĩ Park Geun-hye là con gái của cố Tổng thống bị ám sát Park Chun Hee - người lãnh đạo Hàn Quốc giai đoạn 1961-1979. Sống trong một gia đình "chính trị" từ nhỏ, trải qua thời kỳ khủng hoảng đầy sóng gió, có cả cha và mẹ bị ám sát… đã tạo nên một bản lĩnh Park Geun-hye kiên định trong sự nghiệp chính trị. Với kinh nghiệm từng giúp đảng Saenuri giành được số ghế lớn tại các cuộc bầu cử gần đây, nữ chính khách 60 tuổi này được dự đoán sẽ không mấy khó khăn để giành được đề cử của đảng Saenuri trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ vào tháng 8 tới. Nếu vậy, cơ hội đi tiếp để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của xứ Kim chi sau cuộc bầu cử ngày 19-12 tới của nghị sĩ Park Geun-hye được dư luận nhận định là có thể.
Ngược lại với tình thế của bà Park Geun-hye, Tổng thống Lee Myung-bak lại gặp khó khăn khi cuộc đua sắp bước vào giai đoạn "nước rút". Sự kiện người anh trai là cựu nghị sĩ Lee Sang-deuk, bị bắt giam vì cáo buộc nhận hối lộ từ các ngân hàng đã khiến con đường chinh phục cử tri Hàn Quốc của Tổng thống Lee Myung-bak trở nên khó khăn. Vụ cựu nghị sĩ Lee bị cáo buộc nhận 300 triệu won từ Chủ tịch Ngân hàng Solomon Lim Seok vào năm 2007 và 200 triệu won từ Chủ tịch Ngân hàng Mirae Kim Chan-kyong chưa kịp lắng xuống thì vụ scandal mới lại xuất hiện khi thư ký của Tổng thống Lee Myung-bak, ông Kim Hee-jung xin từ chức giữa lúc dấy lên cuộc điều tra liên quan đến những cáo buộc nhân vật này nhận hối lộ hàng trăm triệu won từ Chủ tịch Ngân hàng Solomon Lim Seok. Dù không ảnh hưởng đến chiếc ghế quyền lực hiện hành nhưng "sự cố" này không thể không ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Lee Myung-bak. Hiện đang có những nghi ngờ Lee Sang-deuk đã sử dụng số tiền này để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Lee Myung-bak hồi năm 2007.
Vào thời điểm cuộc bầu cử đang tới gần, những tín hiệu không mấy lạc quan của nền kinh tế Hàn Quốc cũng là điều cử tri quan tâm ở nhà lãnh đạo tương lai. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) mới đây đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống còn 3% trong năm 2012, thấp hơn mức dự báo tăng 3,3% mà Chính phủ đưa ra trước đó do tình hình kinh tế toàn cầu sa sút cũng như những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Khi nền kinh tế phục hồi chậm chạp và dấu hiệu khoảng cách thu nhập - giàu nghèo - ngày càng tăng, dư luận Hàn Quốc đã hướng đến hình ảnh bà Park Geun-hye như một gợi nhớ về thời điểm nền kinh tế Hàn Quốc từ nghèo đói đã bằng mọi cánh để vươn dậy trong những năm 60 của thế kỷ trước. Đây cũng là một yếu tố khiến nữ nghị sĩ Park Geun-hye nhận được sự ủng hộ của những cử tri bảo thủ và những người ủng hộ đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4 vừa qua.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, bà Park Geun-hye đang duy trì vị trí dẫn đầu với khoảng cách khá an toàn so với các đối thủ tiềm năng trong cuộc đua vào Nhà Xanh gồm ông Moon Jae In, ứng cử viên của đảng Liên minh Dân chủ đối lập - cựu trợ lý của cố Tổng thống Roh Moo Hyun; Giáo sư Đại học Seoul Ahn Cheol Soo, người được giới trẻ ủng hộ song cho đến nay vẫn chưa tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của bà Park Geun-hye là phải vượt qua được vòng đề cử ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Saenuri trong tháng 8 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.