(HNM) - Cuộc bàn thảo về an ninh biên giới giữa Mỹ - Pakistan - Afghanistan vừa diễn ra ngày 13-5, tại thành phố quân sự Rawalpindi, gần Thủ đô Islamabad của Pakistan, đang được dư luận nhìn nhận là bước khai thông thế bế tắc trong quan hệ đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực Nam Á.
Cuộc gặp với sự tham dự của tư lệnh các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tại Afghanistan, Tướng Mỹ John Allen và Tư lệnh quân đội của Pakistan Ashfaq Kayani và Tướng Afghanistan Sher Muhammad Karimi. Đây là cuộc gặp quan trọng nhất mà Pakistan tiến hành với liên quân và quân đội Afghanistan trong vòng một năm qua với nội dung chủ yếu là các biện pháp kiểm soát biên giới và cơ chế nhằm tránh các sự cố bất ngờ xảy ra tại hai bên biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.
Tuyến đường huyết mạch để duy trì các hoạt động của NATO tại Afghanistan qua biên giới Pakistan đang có những tín hiệu được khai thông. |
Với Washington, đây là cú dọn đường quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO về Afghanistan, sẽ diễn ra trong 2 ngày (21, 22-5 tới) tại Chicago (Mỹ). Còn với Islamabad, hàn gắn quan hệ với Mỹ cũng đồng nghĩa tạo thuận lợi để có được hàng tỷ USD viện trợ từ quan hệ đồng minh trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế. Từ cái đích đến đó, rõ ràng, kết quả tích cực của cuộc gặp ba bên vừa diễn ra là tất yếu. Vấn đề còn lại ở đây là, liệu quan hệ vừa được hàn gắn ấy sẽ "xuôi chèo mát mái" được bao lâu? Bởi đây không phải là lần đầu tiên, quan hệ đồng minh chiến lược trong mặt trận chống khủng bố này bị sứt mẻ. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Mỹ lại dội nước lạnh vào mối quan hệ với Pakistan khi máy bay không người lái của họ lại tiến hành không kích xuống vùng Tây bắc Pakistan, làm ít nhất 3 phần tử vũ trang thiệt mạng. Điều đáng nói là vụ việc này lại xảy ra đúng vào thời điểm Pakistan vừa thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt các cuộc không kích, cùng với đó hai nước cũng đang nỗ lực đàm phán để hàn gắn những bất đồng.
Cách đây 6 tháng, vụ không kích của Mỹ tại biên giới giáp với Afghanistan, làm 24 người Pakistan thiệt mạng, đã tạo ra cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ hai nước. Ngay sau đó, Pakistan đã tiến hành trả đũa bằng cách cắt tuyến đường cung ứng cho các lực lượng của NATO tại Afghanistan và kêu gọi chấm dứt các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào Taliban và Al-Qaeda trên lãnh thổ nước này cũng như yêu cầu lời xin lỗi chính thức từ phía Mỹ. Nhưng tới nay nỗ lực này vẫn chưa có kết quả và tuyến huyết mạch để duy trì hoạt động của NATO tại Afghanistan đến nay vẫn bị đóng.
Đưa quan hệ đồng minh phát triển đúng "quỹ đạo" đang là điều mà giới chức Lầu Năm Góc mong muốn bởi họ không chỉ củng cố được "cánh tay" đắc lực trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn có thể hỗ trợ cho kế hoạch rút quân của Mỹ tại Afghanistan. Hiện tại, tuy chưa thể khẳng định tính ổn định trong quan hệ đồng minh chiến lược này, nhưng những gì đang diễn ra được nhìn nhận là bước đi tích cực. Trước hết, ngay sau cuộc gặp ba bên này, ngày 14-5, Islamabad ra thông báo khẳng định, đã đến lúc cần hàn gắn quan hệ giữa nước này với Mỹ và NATO. Dự kiến, vào tuần tới, các lãnh đạo Pakistan sẽ thảo luận về việc chấm dứt 6 tháng phong tỏa tuyến đường cung ứng cho lực lượng NATO ở Afghanistan. Một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, Pakistan có thể tái mở cửa tuyến đường tiếp vận cho chiến trường Afghanistan, trong nỗ lực hàn gắn những bất đồng trong quan hệ đồng minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.