Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế xe máy - bước chuyển theo hướng văn minh

Nhóm phóng viên| 16/04/2022 06:51

(HNM) -  Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.

Hà Nội là một trong 5 thành phố Chính phủ yêu cầu nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030. Nghị quyết này được dư luận kỳ vọng là bước chuyển để giao thông Thủ đô phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Việc hạn chế hoạt động xe máy trên một số địa bàn các quận của thành phố Hà Nội là một trong những giải pháp để giao thông Thủ đô phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện:
Hạn chế xe máy cùng với phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng

Vấn đề hạn chế xe cá nhân trong đó có xe máy được UBND thành phố Hà Nội đặt ra từ năm 2015 và đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Giữa năm 2016, Thành ủy Hà Nội đưa ra lộ trình “Từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động xe máy”. Cuối năm 2016, Sở tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cho lộ trình hạn chế xe máy tại Hà Nội theo 3 giai đoạn. Cuối năm 2021, thành phố đưa ra đề xuất hạn chế xe máy từ Vành đai 3 kết hợp với quốc lộ 5 kéo dài, giai đoạn 2026-2030. Phấn đấu để lộ trình cấm xe máy tại khu vực nội đô của Hà Nội thực hiện sớm trước năm 2030.

Để thực hiện, Hà Nội sẽ triển khai hạn chế hoạt động xe máy cùng với thực hiện các nhóm giải pháp đầu tư, phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng. Sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn quận trong phạm vi từ Vành đai 4 với khu vực nam sông Hồng, Vành đai 3 với khu vực bắc sông Hồng.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:
Tiếp tục lắp đặt camera giám sát phục vụ xử lý vi phạm hành chính

Để tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 theo mục tiêu của Nghị quyết số 48/NQ-CP, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông. Tiếp tục đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ giữ gìn an ninh, trật tự, xử lý vi phạm hành chính. Đẩy mạnh xây dựng, triển khai giai đoạn 2 cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kết nối, chia sẻ dữ liệu của cảnh sát giao thông với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an để phục vụ việc bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Trên cơ sở mục tiêu của Nghị quyết số 48/NQ-CP, lộ trình cụ thể từng bước hạn chế phương tiện cá nhân và các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông, quận Hoàng Mai tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giao thông vận tải thân thiện với môi trường. Hoàng Mai nằm trong vùng hạn chế xe máy tổng thể của thành phố Hà Nội, nên quận sẽ nghiên cứu tham mưu và đề xuất với thành phố Hà Nội thiết lập nơi gửi xe, tạo thuận lợi khi người dân chọn phương tiện giao thông công cộng.

Ông Nguyễn Đình Dũng, phường Quang Trung (quận Hà Đông):
Cần bảo đảm sự đồng bộ ở nhiều khâu

Theo tôi, Nghị định số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 là giải pháp cần thiết để đô thị các thành phố hướng tới văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo tôi cần tính toán kỹ các yếu tố liên quan hỗ trợ để đề án có tính khả thi cao. Đặc biệt, việc khoanh vùng hạn chế xe máy phải tính toán đến đoạn đường tối đa từ nơi người dân gửi xe máy của mình đến nơi có phương tiện giao thông công cộng. Khoảng cách này phải hợp lý, trong giới hạn để các tầng lớp nhân dân, các độ tuổi đều có thể chấp nhận. Có như vậy thì mới thu hút người dân tham gia giao thông công cộng.                        

Ông Trịnh Đình Phùng, xã Kim Chung (huyện Đông Anh):
Nên triển khai sớm việc thu phí vào vùng đô thị

Tôi cho rằng, để Nghị quyết số 48/NQ-CP sớm được thực thi hiệu quả thì cần tính đến việc phát triển giao thông công cộng phù hợp. Nếu giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì khó giảm thiểu việc sử dụng phương tiện xe gắn máy. Về lâu dài, để chống ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường, cũng cần tính đến phương án hạn chế xe ô tô cá nhân thông qua việc áp dụng các biện pháp kinh tế như thu phí vào vùng đô thị, phí bảo vệ môi trường, cấm vào vùng phát thải thấp... Chỉ khi các phương án được thực hiện rõ lộ trình, đồng bộ giải pháp thì hiệu quả thực hiện mới cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế xe máy - bước chuyển theo hướng văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.