(HNM) - Nước không phải nguồn tài nguyên vô tận và chỉ 3% lượng nước trên địa cầu có thể dùng được cho sinh hoạt của con người. Việt Nam được coi là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng lớn khi nguồn nước ngày một cạn kiệt. Siết chặt quản lý khai thác nước ngầm, hạn chế tối đa tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên này là vấn đề đang được đặt ra với các bộ, ngành, địa phương.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có khoảng 2.372 con sông lớn, nhỏ, có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 109 sông chính. Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều hồ tự nhiên, đầm phá, vực nước có kích thước khác nhau tùy thuộc vào mùa. Cùng với đó, cả nước có hàng nghìn hồ đập nhân tạo với tổng sức chứa lên đến 26 tỷ mét khối nước, góp phần quan trọng vào sản xuất thủy điện, kiểm soát lũ lụt, giao thông thủy lợi, nuôi trồng thủy sản...
Mặc dù tài nguyên nước của Việt Nam rất phong phú song trước diễn biến của biến đổi khí hậu, hiện Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu nhiều rủi ro khi an ninh nguồn nước bị đe dọa. Tại hội thảo lấy ý kiến về quản trị an ninh nước ở Việt Nam và Dự thảo Nghị định về hạn chế khai thác nước dưới đất vừa diễn ra, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Bảy chia sẻ: Nước không phải nguồn tài nguyên vô tận, chỉ 3% lượng nước trên địa cầu có thể dùng được cho sinh hoạt của con người. Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 1 tỷ người thiếu nước. Theo thống kê của Hội Tài nguyên nước thế giới, những năm gần đây, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu nước sạch. Thực trạng này xuất phát từ việc thất thoát nước trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc khai thác bừa bãi, thiếu kiểm soát nguồn nước ngầm đang gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên này...
Đánh giá về an ninh tài nguyên nước của Việt Nam, chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông Richard Damania cho rằng, Việt Nam sẽ chịu rủi ro rất lớn. Với hơn 70% dân số đối mặt với tình trạng thiên tai liên quan đến nước, Việt Nam là một trong những quốc gia có xu hướng dễ bị tổn thương nhất trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đang sử dụng nguồn nước rất lớn. Do đó, cần quản lý tốt nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước ngầm, tránh khai thác thiếu kiểm soát và gây lãng phí.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, để tăng cường việc quản lý khai thác nguồn nước ngầm, Bộ đang xây dựng Dự thảo Nghị định về quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất để trình Chính phủ. Trong đó, có nhiều quy định về nguyên tắc khoanh định và áp dụng các hình thức hạn chế khai thác nước dưới đất, phân loại vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Cụ thể, vùng hạn chế khai thác 1, bao gồm các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức. Vùng hạn chế khai thác 2, bao gồm các khu vực có nguy cơ sụt đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác dưới mặt đất hoặc các khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm, hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng khoanh định và việc áp dụng các hình thức khai thác trong các vùng quy định hạn chế.
Dự thảo Nghị định cũng nhấn mạnh quy định về thẩm định, phê duyệt, công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ được giao điều tra, thống kê, tổng hợp thông tin, số liệu để khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định và những hướng dẫn chi tiết để thực hiện. Tuy nhiên, để quản lý tốt và bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm thiểu những rủi ro do thiếu nước, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân và các thành phần kinh tế sử dụng, khai thác nguồn nước theo cách thức tiết kiệm nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.