(HNMO)- Đó là một trong những “điểm nhấn” tại Dự thảo Nghị định về Chính sách quản lý đất lúa, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.
Theo Dự thảo Nghị định, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc, các công trình công cộng, công trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai… cần lựa chọn các phương án quy hoạch, các giải pháp thiết kế, thi công hạn chế tối đa việc sử dụng đất chuyên canh lúa. Đáng chú ý, Dự thảo quy định, không được phép chuyển đất chuyên canh lúa 2 vụ để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu dịch vụ vui chơi giải trí nếu địa phương còn quỹ đất khác để bố trí cho các mục đích sử dụng đất này.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra các điều khoản khuyến khích dồn điền, đổi thửa nhằm khắc phục tình trạng manh mún về quy mô các thửa đất lúa, tạo điều kiện cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Theo Dự thảo, tổ chức, cá nhân được phép nhận chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất lúa từ người sử dụng đất khác để trực tiếp tổ chức sản xuất nông nghiệp có sử dụng lao động gia đình là chính với hạn mức đất nhận chuyển nhượng theo quy định.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng đưa ra điều khoản quy định, không cho phép tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa để nhượng lại, cho thuê lại kiếm lời theo hình thức phát canh thu tô mà không trực tiếp tổ chức sản xuất nông nghiệp. Còn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất lúa thì được phép góp vốn, bằng giá trị quyền sử dụng đất đối với các tổ chức sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ cung ứng vật tư, chế biến, tiêu thị nông, lâm, thủy sản nhưng phải đảm bảo 2 điều kiện, đó là: diện tích đất được đưa vào góp vốn vẫn tiếp tục được sử dụng phù hợp với mục đích nêu trong quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt; khi người góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất không muốn tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đó nữa thì có quyền sử dụng lại diện tích đất đã góp vốn sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ tài chính với bên nhận góp vốn tương ứng với diện tích đất đã tham gia góp vốn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích đất lúa trên toàn quốc tính đến ngày 1-1-2008 là 4,1 triệu ha. Diện tích gieo trồng lúa tính từ năm 1995 đến năm 2008 tăng hơn 630 nghìn ha (tốc độ tăng bình quân 0,7%/năm). Mục tiêu đến năm 2020 của nước ta là bảo vệ quỹ đất lúa 3,8 triệu ha.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.