(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra không ít các vụ tai nạn lao động, chủ yếu thuộc ngành xây dựng, cơ khí, lắp ráp, điện. Để đạt mục tiêu hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động, các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức Công đoàn cần vào cuộc tích cực hơn nữa.
Năm 2019, khi đang làm việc, anh Lê Quang Hiệp, công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội bị xe ô tô đâm phải khiến chân bị dập, gãy. Anh chia sẻ, sau khi tai nạn ập đến, Công đoàn của công ty đã hỗ trợ tiền giúp anh vượt qua khó khăn. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng động viên kịp thời khiến anh và gia đình rất xúc động.
Anh Hiệp chỉ là một trong số nhiều người lao động không may gặp tai nạn trong khi đang làm việc và nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các cấp công đoàn. Thông tin về vấn đề này, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) cho biết, năm 2019 trên địa bàn thành phố xảy ra 223 vụ tai nạn lao động, làm 226 người bị nạn (tăng 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và 16 người bị thương nặng so với năm 2018). Các vụ tai nạn lao động vẫn chủ yếu thuộc ngành xây dựng, cơ khí, lắp ráp, điện...
Nhằm góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn lao động, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, 100% công đoàn cấp trên cơ sở đã có văn bản chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động; tăng cường nguồn lực cho các chương trình hành động về an toàn lao động... "Do làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện tốt công tác an toàn lao động nên trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2020 (tháng 5), trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ xảy ra 1 vụ cháy và 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng", ông Tạ Văn Dưỡng thông tin.
Kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, so với nhiều tỉnh, thành phố khác, Hà Nội đã làm khá tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, từ công tác phân công cán bộ, chỉ đạo đến công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, Hà Nội cần chú trọng tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, nâng cao nhận thức cho người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động hơn nữa. Khi tai nạn lao động xảy ra, cán bộ công đoàn cần quan tâm và trợ giúp hết mình để bảo vệ quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
Ở góc độ cơ sở, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp kiến nghị, bên cạnh việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn, cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho các an toàn vệ sinh viên. Vì đây sẽ trở thành lực lượng quần chúng rộng lớn làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, giúp doanh nghiệp sớm phát hiện và xử lý các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn lao động.
Dưới góc độ là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bày tỏ lo ngại về tình trạng lực lượng cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở quá mỏng so với yêu cầu thực tế của việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Ông Thắng cũng trăn trở về việc công nhân ở một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô, xe máy bị tê bì đầu ngón tay. Công đoàn đã có văn bản đề nghị đưa bệnh này vào danh mục bệnh nghề nghiệp nhưng chưa được chấp nhận. "Rất mong Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho đơn vị có chuyên môn nghiên cứu, đề xuất để bảo đảm quyền lợi cho người lao động", ông Thắng kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.