(HNM) - Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, từ đầu năm đến hết tháng 10-2021, có 28.058 lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, với số tiền tương đương 1.230 tỷ đồng. Con số này có xu hướng tăng so với năm 2020, do nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong việc ổn định đời sống, hưởng lương hưu khi về già. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần cân bằng lại để điều tiết hoạt động bảo hiểm xã hội nhằm hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Những lo ngại
Anh Nguyễn Hoàng Dương, 28 tuổi, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) chia sẻ, vợ chồng anh vừa nghỉ việc tại Công ty May mặc Hoa Lệ Đạt (tỉnh Quảng Ninh), cùng trở về quê để chăm con ốm. Dù không muốn nhưng anh Dương vẫn quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho con...
Một lo ngại khác khiến người lao động nóng lòng rút bảo hiểm xã hội một lần khi mất việc, đó là họ không đủ kiên nhẫn đóng ít nhất 20 năm bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Chị Lê Thị Lanh, sinh năm 1982 (quận Tây Hồ), cho biết, chị đã tìm hiểu về chế độ lương hưu nên cho rằng với trình độ học hết lớp 12 và sức khỏe của mình thì rất khó làm việc đến độ tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, hiện lao động trên 40 tuổi không còn được nhiều doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nên theo đuổi công việc đến tuổi nghỉ hưu là khó. “Tôi vẫn quyết định rút bảo hiểm xã hội trước để giải quyết khó khăn trước mắt”, chị Lanh tâm sự.
Dù đã đóng bảo hiểm xã hội 15 năm nhưng do dịch Covid-19 nên phải nghỉ việc, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, phường Thổ Quan (quận Đống Đa) vẫn quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần do gia đình cần khoản tiền gấp. Mặt khác, dịch Covid-19 phức tạp, chị Nhàn không biết có điều kiện đi làm tiếp để đóng bảo hiểm xã hội hay không... Tuy nhiên, nguyên nhân khiến chị quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần là do lo ngại sau này sẽ có sự điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Về thực tế này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ba Vì Vũ Hoàng Thanh nhận định, do người lao động chưa tìm hiểu kỹ về “giá đỡ” bảo hiểm xã hội nên thiếu kiên trì, vội rút bảo hiểm xã hội ngay khi mất việc làm hoặc khi gặp khó khăn. Trong thực tế, việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp sẽ hỗ trợ người lao động khi xảy ra những biến cố làm giảm thu nhập và lâu bền nhất là được hưởng lương hưu...
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Về việc hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Ba Vì Vũ Hoàng Thanh cho biết, Bảo hiểm xã hội huyện đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, chủ động phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nhất là mục đích, vai trò, ý nghĩa và quyền lợi của việc tham gia bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tùng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền tới người lao động về lợi ích của bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội quận còn bố trí cán bộ thường trực ở bộ phận tiếp nhận và quản lý hồ sơ tuyên truyền, giúp người lao động hiểu rõ những thiệt thòi khi nhận bảo hiểm xã hội một lần; đồng thời, vận động người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đến làm thủ tục.
Ở cấp thành phố, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) Dương Thị Minh Châu thông tin, đơn vị đã tổ chức chiến lược truyền thông tổng thể về mở rộng đối tượng của hệ thống bảo hiểm xã hội, trong đó có việc hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Chiến lược này có sự phối hợp thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội cũng như cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, tạo sự đồng thuận của người dân về những điều chỉnh và thay đổi trong chính sách về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng đề xuất các cơ quan xây dựng chính sách, quản lý nhà nước sớm nghiên cứu, sửa đổi chính sách theo hướng tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời, tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia và giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng này, trước hết phải chăm lo, nâng cao đời sống người lao động, đồng thời, nâng cao nhận thức để họ thấy được sự cần thiết và lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện, Bộ đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, phấn đấu đến năm 2022 trình Chính phủ. Trong đó, đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm theo quy định hiện hành, xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp. Với đề xuất này, người lao động có thể tiếp cận sớm hơn với quyền lợi từ đóng bảo hiểm xã hội, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.