Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế rủi ro trong thương mại điện tử

Khuất Quang Phát| 26/10/2012 07:02

(HNM) - Sau khi nước ta gia nhập WTO (năm 2006), các giao dịch thông qua mạng internet được bảo vệ và hỗ trợ bởi hàng loạt các văn bản pháp luật, như Luật Giao dịch điện tử (thông qua năm 2005, sửa đổi năm 2011), Luật Công nghệ thông tin (năm 2006) và các thông tư, nghị định, quyết định liên quan đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, phương thức mua bán hiện đại này vẫn vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Mua hàng trực tuyến phần lớn không bảo đảm về chất lượng như quảng cáo.

Người mua có được hưởng tiện ích từ các trang web mua bán?

Trên thực tế, nhiều người coi online shopping là xem quảng cáo trên mạng rồi đến tận nơi xem và mua hàng. Điều này chủ yếu do tâm lý muốn "sờ tận tay, day tận mặt" của người mua. Họ không yên tâm bỏ tiền khi mua món hàng mà chưa được trực tiếp thử. Các doanh nghiệp và cá nhân bán hàng qua mạng có nhiều cách để buộc người tiêu dùng phải cam chịu khi có tranh chấp xảy ra. Do quy cách và hình thức của các giao dịch này chưa được pháp luật quy định cụ thể, doanh nghiệp có thể tự do quy định những điều kiện chi tiết. Về phía người tiêu dùng, họ xem thông tin sản phẩm dịch vụ rồi click đặt hàng, khi sản phẩm được chuyển đến nhà mới ngớ người ra. Bên cạnh đó, việc buông lỏng quảng cáo trên các trang web cũng gây nhiều phiền phức cho người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý ham rẻ, các cửa hàng thả sức quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên, của rẻ có thể là của ôi. Một cửa hàng điện thoại quảng cáo chiếc Nokia 1280 chính hãng bảo hành 12 tháng giá là 350.000 đồng. Nhưng khi chúng tôi đến, nhân viên bán hàng đưa ra một vài máy vỏ nhựa khá ọp ẹp dán tem của cửa hàng. Hỏi giấy tờ của nhà phân phối chính thức thì nhận được lời giải thích "đây là hàng xách tay". Những trường hợp như thế khá phổ biến trong kinh doanh trên mạng gây nhiều ức chế cho người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, có một số công ty lớn đứng ra làm trung gian cho các giao dịch bảo đảm. Nổi bật là các hình thức thanh toán thông qua ngân lượng hay “bảo kim” trên các gian hàng của vatgia.com hoặc trang web thuộc những trung tâm điện máy lớn. Người tiêu dùng có thể yên tâm phần nào khi sử dụng. Tuy nhiên, các dịch vụ này còn nhiều giới hạn. Ví dụ như, giá trị bảo đảm là dưới 10 triệu đồng, khách mua hàng phải sử dụng thẻ tín dụng của một vài ngân hàng nhất định. Thêm vào đó, văn bản pháp luật cũng như quản lý nhà nước cụ thể cho dịch vụ trung gian này vẫn còn thiếu. Nếu không có sự bổ sung kịp thời cùng sự phát triển tự do của các định chế trung gian này, có thể gây hậu quả khó lường.

Nhà nước thất thu thuế

Điểm dễ nhận thấy của giao dịch qua internet là chủ yếu người mua là khách lẻ. Hóa đơn bán hàng và chứng từ thường sơ sài, thậm chí không có. Người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giấy bảo hành sản phẩm. Vì thế, việc các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ dễ dàng qua mặt cơ quan thuế. Một trong những vụ việc điển hình gần đây là sai phạm của Công ty Muaban24, mặc dù chưa được cấp phép đầy đủ, nhưng doanh nghiệp này vẫn hoạt động bán lẻ, trốn thuế và lừa đảo thông qua website muaban24.vn. Vì vậy, yêu cầu có những quy định chặt chẽ hơn với các công ty kinh doanh online là rất cần thiết. Mặc dù nước ta đang tích cực tham gia hội nhập, toàn cầu hóa, nhưng mua hàng từ các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài vẫn là quá xa xỉ đối với đại bộ phận người dân. Bởi vậy, eBay, Amazon và các trang web bán hàng trực tuyến quốc tế khác là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng bởi tính đa dạng hàng hóa. Ở Việt Nam, nhu cầu mua sắm trên các trang mạng này cũng không nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng phải lựa chọn các kênh gián tiếp với chi phí cao, gấp nhiều lần giá trị món hàng. Lý do đầu tiên của tình trạng này là hệ thống địa chỉ không đồng nhất khiến hàng hóa gửi qua đường bưu điện hay bị thất lạc. Các gian hàng trên những trang web này thường phải hoàn tiền cho người mua. Do đó, Việt Nam bị nhiều nhà bán lẻ đưa vào danh sách không chuyển hàng qua đường bưu điện. Thêm vào đó, trong vài năm gần đây đã xuất hiện một loại tội phạm mới làm cho tình trạng thất lạc các đơn hàng vào Việt Nam gia tăng. Các đối tượng này chủ yếu nhằm vào các mặt hàng điện tử thuộc gian hàng bán lẻ chưa có kinh nghiệm. Chúng đặt hàng lẻ với nhiều địa chỉ khác nhau với hình thức gửi không cần ký nhận. Mặc dù hàng được chuyển đến nhưng các đối tượng này báo mất, yêu cầu nhà cung cấp hoàn tiền hoặc gửi hàng khác. Vì bị từ chối chuyển hàng trực tiếp tới Việt Nam, người có nhu cầu mua đành lựa chọn kênh xách tay để có được món hàng như ý. Các quảng cáo cho dịch vụ này rất phổ biến với mức giá cao. Với điện thoại, laptop và một số thiết bị điện tử viễn thông, tiền công mua và vận chuyển được tính trung bình 100 USD/ chiếc. Các mặt hàng khác tính theo khối lượng, phổ biến khoảng 20 USD/kg. Ví dụ, một đôi củ loa đấu giá trên eBay, giá cuối là 20 USD, nhưng người mua tại Việt Nam sẽ phải chịu các chi phí như phí chuyển hàng đến nước trung gian (phổ biến là Mỹ, Anh và Australia) + giá bán + phí chuyển về Việt Nam, tổng cộng lên tới gần 100 USD.

Thực tế trên cho thấy rất cần có một hệ thống quản lý và hệ thống chính sách pháp luật chuyên biệt dành cho phân phối bán lẻ online nói riêng và thương mại điện tử nói chung, để tránh những rủi ro không đáng có với người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế rủi ro trong thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.